Phát triển vùng sản xuất rau an toàn ở lòng chảo Điện Biên

08:07 - Thứ Hai, 04/04/2022 Lượt xem: 4553 In bài viết

ĐBP - Lòng chảo Điện Biên không chỉ là vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh mà rau xanh các loại ở đây cũng là nguồn cung chính cho thị trường thành phố Điện Biên Phủ và một số huyện trong tỉnh. Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nông dân các xã vùng lòng chảo từng bước áp dụng các biện pháp sản xuất rau an toàn (RAT) theo chuỗi an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao.

Nông dân xã Pom Lót, huyện Điện Biên chăm sóc rau chuyên canh.

Xu hướng tất yếu

Hợp tác xã (HTX) Tổng hợp Noong Luống là một điển hình sản xuất RAT của huyện Điện Biên. Năm 2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai điểm dự án hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, quả an toàn xã Noong Luống, HTX Tổng hợp Noong Luống là đơn vị chủ trì liên kết. Các loại nông sản chủ lực được HTX đưa vào trồng có đỗ leo 4 mùa, bí xanh và cà chua; trong đó đỗ leo 4 mùa đã được tỉnh công nhận là sản phẩm Ocop 3 sao. Thời gian tới HTX đề nghị UBND xã tạo điều kiện mở rộng diện tích sản xuất từ 2,6ha lên 8ha.

Anh Nguyễn Đức Huy, Giám đốc HTX chia sẻ: Với lợi thế các thành viên HTX cũng như hầu hết người dân trồng rau trong xã đều đã ý thức được ưu điểm của RAT, sản phẩm của HTX giờ không phải mang ra chợ bán mà có thương lái về tận vườn thu mua, tiền cọc mua hàng cũng được đặt trước. Với 5.000m2 thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng. Không chỉ hiệu quả về kinh tế mà sản xuất RAT còn tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của nông dân, giúp họ hiểu được rằng trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm là điều kiện trọng yếu để phát triển. Thời gian tới, HTX nhân rộng diện tích đỗ leo 4 mùa đến 16 thôn bản trên địa bàn, đảm bảo quy trình sản xuất sạch và an toàn.

Xã Pom Lót (huyện Điện Biên) có 700 hộ gia đình trồng rau màu với diện tích hơn 75ha. Trong đó, vùng chuyên canh trồng rau trên 20ha, chuyên sản xuất các loại rau theo hướng an toàn, đảm bảo cung cấp nguồn rau chất lượng cho người dân khu vực thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.

Ông Nguyễn Văn Quân, thành viên HTX sản xuất RAT Pom Lót cho biết: Sản xuất RAT đầu tiên là đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình, sau đó là đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đây là xu hướng tất yếu của thị trường hiện nay. Người nông dân trên địa bàn cũng đã quen dần với quy trình sản xuất RAT theo hướng VietGap, tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp canh tác an toàn sinh học, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế cho các loại hóa chất trước đây.

Áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn, sạch đang là xu hướng được các hợp tác xã, hộ nông dân lựa chọn, coi đây là một cách đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm. Đây cũng là giải pháp ưu việt, từng bước thay đổi tập quán sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, hướng tới hình thành và mở rộng các vùng chuyên canh sản xuất nông sản sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Hướng phát triển bền vững

Huyện Điện Biên quy hoạch gần 2.200ha để trồng các loại rau màu, được phát triển theo hướng chuyên canh tập trung với số lượng lớn. Thực tế cho thấy rau là cây xóa nghèo nhanh nhất của bà con nông dân huyện Điện Biên bởi rau màu được trồng ở cả 3 vụ xuân, thu và vụ đông. Trong nhiều năm qua, sản phẩm rau màu của huyện Điện Biên đã được tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh, với sản lượng hàng ngàn tấn rau các loại mỗi vụ. Nhiều hộ trồng rau đã có thu nhập cao so với các loại cây trồng khác và đã có cuộc sống ổn định. Trồng rau màu đòi hỏi nhiều công lao động nhưng bù lại hiệu quả kinh tế rất cao. Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, trên cùng đơn vị diện tích, lợi nhuận từ trồng màu cao gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa tùy theo loại rau.

Ông Lê Ngọc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: Trong nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của xã đã đề ra mục tiêu xây dựng sản phẩm nông nghiệp an toàn. Do đó xã thường xuyên tuyên tuyền vận động người dân hướng sản xuất đến các sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Tuy nhiên, việc trồng rau màu ở huyện Điện Biên hiện nay cũng còn những hạn chế nhất định từ phía nông dân và cả ở cơ chế, chính sách. Bởi thực tế trên địa bàn tỉnh, có rất ít cửa hàng bày bán sản phẩm RAT, người tiêu dùng chủ yếu lựa chọn tại các chợ đầu mối. Còn tại các chợ chưa có quy hoạch khu riêng bày bán RAT nên người tiêu dùng chưa phân biệt được sản phẩm RAT và rau thông thường. Bên cạnh đó, mặc dù các cơ quan chuyên môn của huyện quy hoạch vùng trồng rau màu chuyên canh, gắn với thương hiệu xuất xứ rau sạch để có thể vươn ra thị trường ngoài tỉnh, tạo thu nhập cao hơn nữa cho nông dân song thời gian qua chưa xây dựng được tem nhãn, bao bì cho sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay để phát triển sản xuất RAT bền vững là năng lực, nguồn vốn của các HTX. Điển hình là thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 45/UBND tỉnh, một số HTX chưa đủ nguồn vốn để đối ứng.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Thời gian tới, để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp trong đó có các sản phẩm rau, củ quả, chúng tôi chú trọng phát triển liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tập trung hỗ trợ các HTX sản xuất RAT đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top