Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi

15:50 - Thứ Ba, 05/04/2022 Lượt xem: 2819 In bài viết

Sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Đề án 1468), ngày 4/11/2021, Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án trên thống nhất đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Các đại biểu tại buổi tọa đàm.

Đây là kết quả khởi sắc có được từ nhiều nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn rất nhiều thách thức trong xử lý các dự án yếu kém gắn với điều kiện phát triển thị trường, hướng dẫn doanh nghiệp về pháp lý trong việc xử lý tranh chấp hợp đồng EPC, hay giải quyết khó khăn về tài chính.

Để cùng nhìn lại các kết quả đạt được, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và thảo luận các giải pháp, đề xuất các cơ chế mới trong việc xử lý dự án kém hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất về vốn và tài sản Nhà nước và các chủ thể liên quan, xa hơn nữa là tạo ra "sức sống mới", nguồn lực mới, động lực mới để hồi sinh các dự án, đóng góp tích cực cho thị trường và nền kinh tế, sáng 5/4, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo".

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thông tin về tình hình cũng như kiến nghị nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả xử lý các dự án yếu kém.

Thông tin về việc xử lý 5 dự án được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, để quyết định đưa 5 dự án ra khỏi theo dõi của Ban Chỉ đạo, phải tính toán rất kỹ. Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương bàn đi bàn lại, xoay lên xoay xuống rất nhuyễn vấn đề, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị. Các nguyên tắc và quan điểm đã nêu đều thực hiện mấy năm rồi, đến thời điểm quyết định thì thể hiện tính ưu việt cao. Cả 5 dự án được đưa ra đều xử lý các vướng mắc cho doanh nghiệp theo hướng bám sát thị trường, tôn trọng pháp nhân doanh nghiệp… chứ không can thiệp thô bạo.

Các dự án được xét trên, dưới, xuôi, ngược vẫn theo tôn chỉ hiệu quả thu về, phân loại từng dự án, nhóm dự án. Đặc biệt, với những dự án có khả năng phục hồi, nhìn thấy triển vọng hiệu quả và ổn định, sẽ được tập trung xử lý sớm… Theo ông Hùng, đây là quyết tâm để tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm chủ động vận hành sau khi có chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Về 3 dự án nhiên liệu sinh học thì đã được bàn đi bàn lại rất nhiều, thuế nhập khẩu sinh học vẫn tăng với thị trường đã có sự thay đổi so với trước. Những dự án càng duy trì càng lỗ nên mạnh dạn thay đổi rất cơ bản, giảm định danh và cơ cấu sớm để có cơ sở báo cáo các cấp chủ động thực hiện vốn đầu tư vì nhiều đối tác góp vốn vào đây.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, trong danh mục 12 dự án đang nhiều tồn đọng, đã đưa ra 5, còn lại 7 dự án do đang còn những vấn đề nổi cộm. Đầu tiên là vướng mắc về Hợp đồng EPC (Hợp đồng nhà thầu trọn gói đối với các dự án này). Trong hợp đồng của tất cả các dự án này đang có sự tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về nội dung, bao gồm cả khối lượng, thiết bị, chủng loại thiết bị, kể cả áp dụng chính sách thuế ở Việt Nam.    

Liên quan việc này, cho đến thời điểm hiện nay, giữa chủ đầu tư và nhà thầu rất quyết liệt thảo luận với nhau nhưng chưa đi đến được thống nhất và thương thảo về vấn đề này. Đây là vướng mắc nhất trong các dự án đang tồn đọng hiện nay.

Cụ thể là dự án Nhà máy thép Thái Nguyên mở rộng, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy đạm Hà Bắc. Việc này ảnh hưởng đến xác định giá trị dự án đầu tư, giá trị của doanh nghiệp, quyền chủ động của nhà đầu tư có thể tiếp tục đầu tư bổ sung hoặc hoàn thiện thêm hay không… Đây là những vấn đề đang còn dở dang trong hợp đồng với các nhà thầu, chưa giải quyết được. Hiện nay, các doanh nghiệp đang đàm phán và tiếp tục trao đổi với các nhà thầu.

Thứ hai, xét lại tổng quan là vấn đề chi phí, trong đó chi phí tài chính quá cao. Có khá nhiều dự án được đưa vào diện hỗ trợ về mặt tài chính đầu tư trong giai đoạn 2010-2015. Tuy nhiên, giai đoạn đó lãi suất cao, quá trình thực hiện dự án bị chậm, thường là vài năm, dẫn đến lãi suất đã cao còn bị phạt, lãi mẹ đẻ lãi con nên chi phí tài chính cao.

Điển hình là Nhà máy đạm Hà Bắc (dự án giai đoạn 2 mở rộng), thể hiện ưu điểm hơn giai đoạn 1 là được đầu tư nhiều năm, hiệu quả tốt hơn. Cơ quan chức năng đã trực tiếp xuống khảo sát và tính toán tại đó thì về mặt tiêu hao, bảo đảm theo báo cáo khả thi trở xuống, về mặt sử dụng lao động, cũng tiết kiệm hơn nhiều. Sản xuất tốt, chất lượng sản phẩm bảo đảm, thậm chí tốt hơn.

Tuy nhiên, chi phí tài chính chiếm đến hơn 30%, dẫn đến khó cạnh tranh trên thị trường. Thời điểm hiện nay là thời điểm thị trường tốt. Xét lại 5 năm trước đây theo giá đầu vào sản xuất bằng than thì giá tăng nhiều gấp 2, 3 lần. Giá đầu ra bán tại thời điểm đó lại thấp hơn nhiều so dự kiến báo cáo khả thi, dẫn đến lỗ tích lũy trong những năm vừa qua nhiều, kéo dài lên đến vài nghìn tỷ đồng.

Trên đây là hai vấn đề tồn đọng mấu chốt. Một là xử lý Hợp đồng EPC và hai là xử lý chi phí tài chính do đầu tư tồn tích lại quá lớn. Nếu không giải quyết vấn đề này thì không mở cho doanh nghiệp khả năng cạnh tranh trên cùng một mặt bằng so các doanh nghiệp khác (tức là chi phí tài chính phải tương đương). Thứ hai, chưa giải thoát được Hợp đồng EPC thì doanh nghiệp chưa chủ động hoạt động được các dây chuyền và quá trình sản xuất kinh doanh của mình.

Thứ trưởng Công thương Đặng Hoàng An cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở cấp cao nhất đã có sự chỉ đạo rất sát sao và quyết liệt đối với các dự án này. Chưa có nhóm dự án nào mà Bộ Chính trị 2 lần nghe báo cáo tình hình. Quốc hội cũng có Nghị quyết số 33 từ năm 2016 (Quốc hội khóa XIV).

Với tư cách tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công thương đã rà soát các dự án và báo cáo với Chính phủ lập 1 Ban Chỉ đạo để xử lý các dự án này. Chính phủ cũng cử 1 đồng chí Phó Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo, đồng chí Bộ trưởng Công thương làm Phó Trưởng Ban Thường trực.

Đến năm 2019, do chuyển đổi cơ cấu quản lý, đã chuyển Phó Trưởng Ban Thường trực sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ trưởng Công thương với vai trò là Trưởng Ban Thường trực cũng đã tham mưu với Thủ tướng, với Ban Chỉ đạo ban hành kế hoạch hành động thực hiện đề án và Chính phủ đã có Quyết định 1468 phê duyệt Đề án, sau đó ban hành Quyết định 4269 về kế hoạch hành động.

Trong quá trình xử lý các dự án này, Chính phủ khóa trước và khóa này đã có tới 20 cuộc họp để chỉ đạo. Sự tham gia của các bộ, ngành gồm Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp cũng rất sát sao. Các tổ chức tín dụng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ và những nhà tài trợ vốn cho dự án cũng đã tham gia rất tích cực, kể cả các giải pháp liên quan đến chính sách như khấu hao…

"Có thể nói chưa bao giờ chúng ta thấy các dự án nhận được sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục như vậy", Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh; đồng thời, những vấn đề liên quan chính sách, cơ chế đã căn bản được tháo gỡ và đấy cũng là cơ sở để báo cáo Bộ Chính trị xử lý bước đầu các dự án. Một số dự án đã được đưa ra khỏi danh mục các dự án yếu kém.

Hiện nay, một số dự án đã có khởi sắc thực sự. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu, vì thời gian kéo dài lâu cho nên phải tìm cách xử lý dứt điểm. Cái gì làm được ta phải xử lý dứt điểm, không sẽ kéo dài từ ngày này sang tháng khác. Kết quả tích cực bước đầu như vừa qua có sự chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ.

Đối với Nhiệt điện Thái Bình 2, từ 1 năm gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo tại các phiên họp thường trực Chính phủ và Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã 4 lần trực tiếp xuống hiện trường tính từ tháng 4/2021 cho đến nay, lần gần nhất là vào ngày 23/3, nhân sự kiện đốt dầu được thực hiện.

Yêu cầu của Thủ tướng là bằng mọi giá, mọi cách phải đưa dự án này vào vận hành, tháng 11 là phải đưa tổ máy 1 vào vận hành thương mại. Sau đó 1 tháng, tức tháng 12, là tổ máy số 2 vận hành thương mại. Đây là dự án quan trọng, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an ninh năng lượng quốc gia. Thứ hai là đóng góp rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Bình, khoảng 1.000 tỷ đồng cho ngân sách của Thái Bình. Đây cũng là mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình.

Chỉ đạo gần như pháp lệnh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với tư cách chủ đầu tư dựng đồng hồ đếm ngược tại công trường, hằng ngày nhìn thấy còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến mục tiêu. Tất nhiên hiện nay làm sao đạt được mục tiêu hòa lưới vào cuối tháng 4 này, chậm lắm là sang đầu tháng 5 như chỉ đạo của Chính phủ, và đốt than lần đầu vào 16/6, thì còn rất nhiều việc.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận

Tin khác

Back To Top