Xăng dầu tăng giá ảnh hưởng tiêu dùng, sản xuất

08:25 - Thứ Tư, 06/04/2022 Lượt xem: 5130 In bài viết

ĐBP - Trong phiên điều chỉnh giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 1/4), xăng các loại giảm từ 1.030 - 1.040 đồng/lít, trong khi dầu diesel tăng 1.440 đồng. Dù vậy, nhìn chung giá xăng, dầu vẫn ở mức cao ảnh hưởng không ít đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, vốn đã gặp khó khăn thời gian dài bởi dịch Covid-19. Người dân buộc hạn chế đi lại, giảm sinh hoạt phí; còn doanh nghiệp cũng tính toán đến việc tiết giảm chi phí bởi không thể tăng giá thành sản phẩm.

Giá xăng dầu tăng khiến giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng theo, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xây dựng.

Thông tin từ Sở Công Thương, trong quý I/2022 do biến động thị trường xăng dầu nên nhiều mặt hàng sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng giá. Trong đó, giá thóc, gạo có xu hướng tăng nhẹ do chi phí vận chuyển tăng lên. Hiện nay, giá gas Petrolimex cũng ở mức cao với 542.000 đồng/bình 12kg, Thăng Long gas 505.000 đồng/bình12kg, Điện Biên gas 505.000 đồng/bình12kg. Ngoài ra, các mặt hàng như: Đường kính trắng, phân bón, thức ăn chăn nuôi cũng tăng giá và dự báo thời gian tới vẫn tiếp tục tăng nhẹ do tác động chung của thị trường. Cụ thể, mặt hàng đường kính trắng tiếp tục duy trì ở mức cao do tác động kép của giá đường tăng trên thị trường quốc tế và chi phí vận tải tăng bởi giá xăng dầu tăng cao. Còn với phân bón, trong tháng 3 giá bán lẻ các loại phân bón trên địa bàn tỉnh tăng từ 5 - 8% so với tháng trước do chịu tác động từ thị trường nguyên liệu sản xuất phân bón thế giới và giá dầu tăng. Hiện tại giá bán lẻ phân bón trên địa bàn tỉnh ở mức: Đạm U rê Hà Bắc 19.400 đồng/kg; phân NPK Lâm Thao (5.10.3) 6.700 đồng/kg; riêng địa bàn huyện Mường Nhé giá bán lẻ cao hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Ngoài ra, cuối tháng 2 và tháng 3/2022, do giá các chủng loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng làm giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng theo như: Giá khô đậu tương Cái Lân (Quảng Ninh) tăng 100 - 200 đồng/kg, giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu Cái Lân tăng 50 - 100 đồng/kg…

Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh thương mại, du lịch khách sạn trên địa bàn tỉnh và lân cận, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 là một trong những doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. Thời gian gần đây, ngoài tác động của dịch Covid-19 thì giá xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể như lĩnh vực xây dựng, chi phí đầu vào của Công ty liên tục tăng cao do các mặt hàng vật tư, nhiên liệu, vật liệu tăng giá. Đơn cử như đối với thép xây dựng, sau thời gian giữ ổn định đến giữa tháng 1/2022 các thương hiệu thép lớn trong nước đồng loạt điều chỉnh giá và đến giữa tháng 2, các doanh nghiệp sản xuất lại tiếp tục đồng loạt tăng giá thép xây dựng lên 250.000 - 610.000 đồng/tấn so với thời điểm trước tết Nguyên đán. Theo khuyến cáo của đơn vị chức năng, thời gian tới nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn tiếp tục triển khai khiến sản lượng tiêu thụ thép tăng mạnh cộng với giá nguyên liệu giữ ở mức cao có thể sẽ tác động lên giá thép. Bên cạnh đó, giá xi măng trên thị trường cũng có biến động tăng nhẹ. Do vậy, để giảm áp lực chi phí đầu vào khi giá nguyên vật liệu tăng, Công ty đã tính toán phương án tiết giảm chi tiêu, chú trọng đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất hiệu quả, tiết kiệm.

Đời sống sinh hoạt của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh cũng đang đối mặt với khó khăn khi xăng dầu tăng giá. Anh Nguyễn Văn Hiệp, tổ 4, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Nếu trước đây mỗi lần đổ xăng cho xe ô tô cá nhân khoảng 700 - 800 đồng đã đầy bình thì nay chi phí hơn 1 triệu đồng. Do thường xuyên phải di chuyển nhiều trong ngày nên việc giá xăng tăng cao đã trở thành áp lực không nhỏ đối với gia đình. Để giảm chi phí, gia đình tạm thời di chuyển bằng xe máy và hạn chế việc đi lại. Ngoài ra, với giá gas cao như hiện nay thì gia đình đã quyết định thay thế bếp gas bằng sử dụng bếp điện.

Thời gian tới, dự báo một số mặt hàng xăng dầu, khí hóa lỏng, giá vàng và tỷ giá đô la Mỹ sẽ tiếp tục có những biến động theo tác động của thị trường thế giới. Nhằm ổn định thị trường, Sở Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Bộ Công Thương các giải pháp bình ổn giá cả thị trường, cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn. Đồng thời vận động doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, từng bước khôi phục lại sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng dầu.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top