Phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm

12:01 - Thứ Sáu, 08/04/2022 Lượt xem: 4215 In bài viết

ĐBP - Phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, trên cơ sở liên kết các hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hàng hóa được xác định là hướng đi trọng yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế tập thể của huyện Điện Biên. Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể; tăng cường tính liên kết trong chuỗi giá trị giúp hợp tác xã hoạt động và phát triển bền vững, tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm; tăng khả năng tiếp cận thị trường và sức cạnh tranh của hợp tác xã, mang lại lợi ích cho thành viên.

Xã viên Hợp tác xã Thủy sản Pe Luông, huyện Điện Biên thu hoạch cá thương phẩm.

Toàn huyện Điện Biên hiện có gần 50 hợp tác xã và tổ hợp tác với trên 4.800 thành viên; tổng số vốn điều lệ gần 145 tỷ đồng. Nhiều hợp tác xã đã có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, xuất hiện ngày càng nhiều hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi, làm cầu nối gắn kết giữa các hộ dân với cơ sở chế biến, tiêu thụ, góp phần giảm nhiều khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành, gia tăng giá trị, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ thành viên. Để hỗ trợ các hợp tác xã phát triển sản xuất, gắn với chuỗi liên kết, tiêu thụ, trong giai đoạn 2016 - 2021, huyện Điện Biên đã hỗ trợ kho lưu trữ hàng hoá, nhà xưởng, trụ sở, khu chế biến sản phẩm, làm nhà lưới cho một số hợp tác xã: Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên; Hợp tác xã Nông nghiệp xã Noong Hẹt; Hợp tác xã Chăn nuôi Điện Biên; Hợp tác xã Rau an toàn xã Noong Luống. Một số hợp tác xã được hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, giống; hỗ trợ máy cấy lúa, khay mạ, máy xay xát gạo…

Việc phát triển theo chuỗi giá trị, với các đơn vị chủ trì trong chuỗi liên kết là các hợp tác xã đã và đang góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện; đồng thời cải thiện tính linh hoạt, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã giảm và doanh thu tăng lên. Lợi nhuận cũng cao hơn từ 10 - 12%, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong hợp tác xã. Thu nhập bình quân của thành viên và lao động trong các hợp tác xã đạt 121 triệu đồng/người/năm; doanh thu lãi bình quân của một hợp tác xã đạt 667 triệu đồng/năm. Trong đó, các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, doanh thu bình quân ước đạt hơn 261 triệu đồng/năm; lĩnh vực công thương, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 950 triệu đồng/năm và trong lĩnh vực xây dựng đạt 1,2 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, số hợp tác xã thực hiện liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp còn ít, chưa có tính bền vững. Hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp làm dịch vụ bao tiêu sản phẩm nhưng chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa thành viên với thị trường. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua vai trò hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Quy mô sản xuất của các hợp tác xã còn nhỏ, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thiếu nguồn lực để hoạt động, khả năng huy động vốn hạn chế, chủ yếu cung cấp dịch vụ đầu vào, trình độ cán bộ hợp tác xã còn hạn chế...

Để phát huy vai trò của các hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian tới huyện Điện Biên chú trọng nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước đối với kinh tế hợp tác xã; tăng cường hỗ trợ hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, mang lợi thế cạnh tranh theo đề án OCOP để hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung huy động nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao; gắn kết chặt chẽ hơn việc liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã; xây dựng một số mô hình điểm, mang tính đột phá để nhân rộng.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top