Từ 15 giờ ngày 12/4, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm. Đây là lần thứ 3 liên tiếp mặt hàng này được điều chỉnh giảm giá. Ngoài việc vui mừng vì một trong những nhiên liệu quan trọng không còn tăng nóng, người dân còn kỳ vọng giá các mặt hàng trước đó tăng theo giá xăng sẽ sớm được điều chỉnh giảm tương ứng.
Người dân vui vì giá xăng dầu giảm liên tục
Xếp hàng chờ đổ xăng tại một cây xăng trên đường Lê Đức Thọ, anh Nguyễn Văn Chiến (Mỹ Đình, Hà Nội), một lái xe công nghệ chia sẻ, hồi tháng 3, nhiều lái xe công nghệ như anh không dám đi vòng vòng bắt khách bởi giá xăng dầu quá cao. “Hồi tháng 2, tôi đổ 100.000 đồng chỉ đi khoảng hơn 1 ngày là hết, nhưng sau vài đợt giảm giá, đổ 100.000 có thể đi đến 3 ngày nếu chỉ di chuyển trong nội thành”, anh Nguyễn Văn Chiến vui mừng nói.
Có hai con bắt đầu quay trở lại trường học từ ngày 6/4, trước đây, chị Nguyễn Thị Hà (Hà Đông) thường xuyên phải thuê xe để đưa đón con đi học. Thời gian con ở nhà học online do dịch, khoản chi phí này không mất nhưng khi con rục rịch quay trở lại trường, chị không khỏi lo lắng khi hàng loạt các lái xe quen đã thông báo sẽ tăng cước đưa đón học sinh phù hợp với mặt bằng giá xăng mới. Chị Hà cho biết: “Sau 3 đợt xăng dầu giảm giá gần đây, dự kiến, mức tăng giá cước xe sẽ không cao như dự báo trước đó. Tôi cũng bớt lo phần nào”.
Từ 15 giờ chiều ngày 12/4, giá xăng dầu đã đồng loạt được điều chỉnh giảm với mức giảm lên đến 838 đồng/lít xăng E5RON92; 836 đồng/lít xăng RON95; 700 đồng/lít dầu diesel; 737 đồng/lít dầu hỏa. Cùng với 2 đợt điều chỉnh giảm liên tiếp vào ngày 21/3; 1/4 trước đó, riêng giá xăng đã giảm đến gần 2.800 đồng/lít. So với mức tăng nóng của thời điểm từ Tết Nguyên đán đến đầu tháng 3, giá xăng dầu đã “hạ nhiệt” tương đối nhanh chóng.
Dưới góc độ người đứng đầu cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam vui mừng chia sẻ, không chỉ là mặt hàng trong giỏ hàng hóa thiết yếu mà xăng dầu còn là mặt hàng liên quan đến đầu vào của rất nhiều mặt hàng, tác động lớn đến nền kinh tế, do vậy, giá xăng dầu giảm không những giúp người tiêu dùng được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng mà còn được hưởng lợi gián tiếp từ việc giảm giá cả các loại mặt hàng, dịch vụ khác.
“Ví dụ đơn giản là người bán rau cũng vin vào cớ giá xăng dầu tăng khiến chi phí mang rau từ vườn ra chợ tăng, ảnh hưởng đến giá mặt hàng này. Do đó, thời gian qua, nhiều mặt hàng đã tăng theo giá xăng. Nay giá xăng giảm, cơ hội để giảm giá các mặt hàng này là có”, ông Hùng cho hay.
Đồng ý kiến với ông Hùng, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, giá xăng dầu ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn phải điều hành dựa theo biến động của giá xăng dầu thế giới và việc tăng giá xăng dầu như thời gian qua là không tránh khỏi. Do đó, động thái điều hành giảm ngay lập tức khi giá xăng dầu thế giới “hạ nhiệt” là nỗ lực kịp thời của cơ quan điều hành giá. Không chỉ người tiêu dùng, mà doanh nghiệp sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào cũng rất vui với quyết định này.
TS Vũ Đình Ánh chỉ rõ: “Thời gian qua, việc tăng giá xăng dầu khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên gấp đôi, gấp ba. Trong bối cảnh dịch Covid-19 mới được kiểm soát, áp lực chi phí khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, việc giảm giá xăng dầu được cho là việc rất cấp thiết để giúp doanh nghiệp dần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Đưa chi phí hàng hóa giảm theo giá xăng dầu
Từ trước đến nay, giá xăng dầu luôn được các cơ quan điều hành đặc biệt quan tâm giữ bình ổn, bởi đây là mặt hàng quan trọng trong giỏ hàng hóa. Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, điều đáng lo ngại là giá xăng dầu sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng bởi nhiều mặt hàng sẽ “té nước theo mưa” theo đà tăng của giá xăng dầu.
Do đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, việc giảm giá xăng dầu là tốt, nhưng quan trọng hơn cả là các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và quản lý chặt hơn về mặt bằng giá tiêu dùng nói chung.
Ví dụ như giá xăng dầu đã giảm liên tiếp 3 lần nhưng giá cước vận tải vẫn đang neo ở mức giá cao và chưa có động thái giảm. Giá xăng dầu giảm nhưng nhiều mặt hàng thiết yếu, lương thực khác cũng không điều chỉnh giảm tương ứng. “Khi giá xăng dầu lên, các doanh nghiệp mượn cớ đó tăng giá dịch vụ và các mặt tiêu dùng, nhưng khi giá xăng dầu giảm họ lại không điều chỉnh về mức giá cũ. Do đó, tôi mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước đã quan tâm thỏa đáng đến giá xăng dầu thì cũng cần quan tâm đến giá cả các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ khác để người tiêu dùng được hưởng lợi”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Trước mắt, để tạo đà cho việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đều giao các bộ ngành, địa phương triển khai các giải pháp điều hòa cung cầu, kiểm soát thị trường, theo dõi các biến động về giá để triển khai các giải pháp bình ổn giá; chưa tăng giá các mặt hàng nhà nước quản lý giá.
Bộ Công thương cũng đồng thời vào cuộc, cùng với việc cam kết bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống, bộ này đã giao cho lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra giám sát thị trường, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh, bất ổn chính trị trên thế giới để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý, thu lời bất chính. Với những giải pháp này, có thể kỳ vọng giá cả hàng hóa sẽ dần được điều chỉnh về mức hợp lý sau thời gian tăng do giá xăng dầu.