Thêm việc làm cho lao động nông thôn từ các dự án mắc ca

09:09 - Thứ Bảy, 16/04/2022 Lượt xem: 5783 In bài viết

ĐBP - Sau nhiều năm “đứng chân” trên đất Điện Biên, cây mắc ca đã dần cho thấy sự phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và khả năng sinh trưởng, phát triển tốt; một số diện tích mắc ca đã cho thu hoạch với sản lượng và chất lượng khá. Bên cạnh từng bước khẳng định được giá trị kinh tế, các dự án phát triển mắc ca đang được kỳ vọng là hướng về giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho lao động nông thôn vùng dự án nói riêng và lao động trên toàn tỉnh nói chung.

Công nhân Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên chăm sóc vườn cây mắc ca tại xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng).

Tiên phong trồng cây mắc ca, năm 2015, Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên thực hiện Dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Đến nay, Công ty đã trồng được 1.400ha mắc ca, chủ yếu tại 2 xã: Quài Nưa và Quài Cang, đưa Tuần Giáo trở thành địa phương có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh. Cây mắc ca phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đồng thời khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh nên cây mắc ca có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, một số diện tích trồng thử nghiệm đã cho thu hoạch. Tổng diện tích cho thu hoạch khoảng 300ha, với sản lượng bình quân khoảng 5kg quả/cây.

Song song với việc hợp tác phát triển mắc ca, để chăm sóc tốt diện tích mắc ca hiện có, Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên đã ưu tiên tạo điều kiện, giải quyết việc làm cho người lao động của các xã vùng dự án. Đến hết năm 2021, Công ty đã tạo việc làm cho hơn 680 lao động, gồm có 150 lao động thường xuyên và 530 lao động mùa vụ, 100% lao động thường xuyên và trên 60% lao động thời vụ là người dân 2 xã: Quài Nưa và Quài Cang (huyện Tuần Giáo). 100% cán bộ, người lao động thường xuyên có việc làm và thu nhập ổn định, trong đó mức thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/tháng/lao động thường xuyên; 200 nghìn đồng/ngày/lao động thời vụ. Các chế độ chính sách, quyền lợi của người lao động luôn được đảm bảo theo quy định chung của Nhà nước và các quy định riêng của Công ty.

Bà Lò Thị Thủy, Chủ nhiệm dự án Phát triển cây mắc ca tại huyện Tuần Giáo, Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên cho biết: Với diện tích cây mắc ca lớn, Công ty luôn cần một số lượng lao động dồi dào. Công ty ưu tiên tạo việc làm cho người dân góp đất, hợp tác phát triển cây mắc ca và người dân các xã vùng dự án. Hiện nay, đối với lao động thường xuyên, Công ty đang giao khoán 1 lao động quảy lý, chăm sóc và bảo vệ từ 5 - 7ha cây mắc ca. Với lao động thời vụ, mỗi năm, Công ty thuê khoán 3 đợt, mỗi đợt từ 30 - 60 ngày để hỗ trợ các lao động thường xuyên việc bón phân, làm cỏ… Vài năm gần đây, Công ty không chỉ tạo việc làm cho lao động trên địa bàn huyện Tuần Giáo mà còn giải quyết việc làm cho lao động các huyện lân cận như: Tủa Chùa, Mường Ảng, Điện Biên Đông. Đối với lao động tham gia làm việc, Công ty đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm cho toàn bộ lao động theo quy định, trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân và một số dụng cụ phục vụ sản xuất khác. Căn cứ vào kế hoạch sản xuất và nhu cầu về nguồn lao động khi diện tích trồng, thu hoạch ngày càng mở rộng, đồng thời góp phần giải quyết sức ép nhu cầu việc làm của nhiều lao động địa phương đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện Công ty đang có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động. Người lao động có sức khỏe, nhân thân, có khả năng làm việc độc lập và ý thức tổ chức kỷ luật cao sẽ được Công ty tạo điều kiện giải quyết việc làm.

Anh Vừ A Tủa, người dân xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo cho biết: Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên ưu tiên tạo điều kiện làm việc cho người dân góp đất, hợp tác phát triển mắc ca và người dân trên địa bàn 2 xã: Quài Nưa và Quài Cang. Gia đình tôi góp 2ha đất cùng Công ty để trồng mắc ca. Ngoài việc được Công ty hỗ trợ tiền trong những năm đầu kiến thiết và chi lợi nhuận khi cây cho thu hoạch thì từ năm 2018 đến nay, tôi được Công ty ký hợp đồng lao động thường xuyên với mức lương 6,5 triệu đồng/tháng. So với đi làm nương hoặc làm thuê thời vụ thì làm việc tại Công ty có mức lương và các chế độ đãi ngộ tốt hơn và còn được bố trí làm việc ngày tại mảnh nương do mình góp đất. Tại những thời điểm lắm việc, 5 nhân khẩu nhà tôi tham gia làm việc thời vụ cho Công ty để kiếm thêm thu nhập.

Không chỉ riêng huyện Tuần Giáo, hiện nay, cây mắc ca được quy hoạch, phát triển và mở rộng ra các huyện như: Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên, Mường Ảng, Điện Biên Đông. Hiện nay, các dự án trồng mắc ca vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện. Dù chưa hoàn thành song các dự án đã và đang tạo việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Đơn cử như, Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé và Nậm Pồ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc thực hiện trồng tập trung 20.000ha cây mắc ca trên địa bàn 11 xã thuộc huyện Mường Nhé và 8 xã của huyện Nậm Pồ (Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Khăn, Pa Tần, Nậm Tin). Đến nay, Công ty đã trồng được 600ha tại các bản: Sen Thượng, Long San, Chiếu Sừng (xã Sen Thượng). Dù vậy, Công ty đã tạo việc làm cho hơn 250 lao động (100 lao động thường xuyên, 150 lao động mùa vụ) chủ yếu là đồng bào các dân tộc trong vùng dự án với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng; lao động thời vụ (3 đợt/năm, mỗi đợt từ 30 - 60 ngày) 200.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, Dự án trồng cây mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông của Công ty TNHH Mắc ca Mường Then Điện Biên đã trồng được 358ha mắc ca (đạt 10,2% so với tổng quy mô Dự án). Năm 2022, Công ty dự kiến trồng thêm 500ha mắc ca. Hiện tại, Công ty đã tuyển dụng 30 lao động thường xuyên với mức lương bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng và sử dụng 300 lao động thời vụ (được Công ty trả công 200.000 đồng/ngày công lao động) để quản lý, bảo vệ và chăm sóc diện tích cây đã trồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 dự án phát triển cây mắc ca được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô 47.046ha. Với tiêu chuẩn sử dụng 1 lao động thường xuyên/5ha mắc ca như Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên đang áp dụng, khi các dự án mắc ca hoàn thành sẽ thu hút khoảng trên 9.409 lao động thường xuyên. Đồng thời, thu hút hàng chục nghìn lao động thời vụ trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, các dự án mắc ca đang từng bước cho thấy sự hiệu quả kinh tế, cũng như đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống người dân vùng dự án.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top