Vấn đề tuần này

Gỡ vướng các dự án mắc ca

05:53 - Thứ Năm, 21/04/2022 Lượt xem: 3783 In bài viết

ĐBP - Mới đây, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh, sau khi nghe lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các huyện, thị có dự án trồng cây mắc ca và các doanh nghiệp tham gia trồng cây “triệu đô” này phát biểu, làm rõ những thuận lợi, khó khăn cũng như diện tích mắc ca thực trồng đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô yêu cầu: Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên để nhanh chóng phát hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khi đó tiến độ mới nhanh được. Còn mạnh ai nấy làm, việc ai người ấy làm, không hợp tác trao đổi, bàn bạc vì mục đích chung thì những tồn tại, khó khăn rất khó giải quyết.

Thực ra, vấn đề khó khăn, vướng mắc trong các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh không phải mới phát sinh, được các bên phản ánh tại cuộc họp vào trung tuần tháng 4 vừa qua, mà nó đã diễn ra nhiều năm rồi. Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân tham gia góp đất trồng mắc ca; các nhà đầu tư; các sở, ngành, liên minh hợp tác xã giúp UBND tỉnh trong vấn đề triển khai các dự án trồng cây mắc ca để có đối sách hợp lý đã được tiến hành thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, tại mỗi dự án trồng cây mắc ca đều gặp những khó khăn riêng. UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án trồng cây mắc ca tỉnh, các huyện họp bàn, nhưng giải quyết được khó khăn này lại phát sinh vướng mắc khác. Đây là nguyên nhân, đến nay tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư 9 dự án với hơn 53.000ha mắc ca. Vậy nhưng, diện tích thực trồng mới đạt 3.500ha (đạt 6,5% tổng quy mô cả giai đoạn). Diện tích trồng mắc ca tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Mường Nhé, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ. Tỉnh xác định, mắc ca là cây đa mục đích, có vòng đời khai thác lâu dài, phù hợp với điều kiện tự nhiên, chống xói mòn đất tốt… cần tập trung nguồn lực cho đầu tư, phát triển trong thời gian tới.

Thực tế, đã có nhiều gia đình ở Mường Ảng, TP. Điện Biên Phủ, Tuần Giao... trồng mắc ca khoảng 5 - 6 năm tuổi và đang cho thu hoạch. Như tính toán, mỗi héc ta mắc ca cho thu hoạch 0,8 - 1,5 tấn, với giá bán khoảng 50 - 60 nghìn đồng/kg quả tươi, khoảng 300 - 400 nghìn đồng/kg quả khô. Mỗi héc ta mắc ca đang cho thu nhập 40 -  60 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí).

Tại các dự án trồng mắc ca, nhiều nông dân tham gia góp đất, sẽ được chia cổ tức theo tỷ lệ thoả thuận; được các công ty ký hợp đồng lao động thường xuyên, với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nếu lao động thời vụ, công ty trả 150 - 180 nghìn đồng/ngày, bà con nông dân cũng mang về khoản tiền không nhỏ, góp phần ổn định cuộc sống, xoá đói, giảm nghèo. Với 53.000ha mắc ca đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, khi các dự án triển khai thuận lợi, suôn sẻ, đúng tiến độ, kế hoạch, thì mỗi năm có hàng nghìn lao động địa phương được giải quyết việc làm với thu nhập ổn định.

Nhận thấy tiềm năng, giá trị từ cây mắc ca mang lại trước mắt cũng như lâu dài, nên lãnh đạo tỉnh rất quyết liệt, riết róng và thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai trồng mắc ca. Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục để triển khai dự án, tránh đầu tư “giữ chỗ”, đầu tư “xí phần”. Với các doanh nghiệp thiếu năng lực, tiềm lực thì có thể điều chỉnh quy mô dự án hoặc kiên quyết rút giấy phép, nhường chỗ cho các doanh nghiệp khác mạnh hơn, tâm huyết, gắn bó với Điện Biên hơn.

Khó khăn các doanh nghiệp gặp phải đó là, đa số diện tích đất trong vùng dự án đều đang do người dân quản lý, sử dụng, canh tác nương rẫy, chưa được đo đạc, quy chủ, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên việc góp đất để tính tỷ lệ phần trăm lợi nhuận với công ty rất khó. Vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, định hướng cho UBND cấp huyện và nhà đầu tư các dự án đo đạc diện tích đất nông nghiệp hoặc rà soát, cập nhật, chỉnh lý số liệu bằng máy GPS để đẩy nhanh công tác quy chủ đất đai tròng vùng dự án. Đẩy nhanh tiến độ giao đất giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng (ưu tiên thực hiện trước tại địa bàn các xã thuộc vùng dự án trồng mắc ca) để người dân, doanh nghiệp có cơ sở bàn bạc thoả thuận hợp tác góp đất, chia lợi nhuận...

Triển khai các dự án trồng mắc ca trên diện rộng, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ nhận thức hạn chế và không đồng đều. Do vậy cần chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác tuyên tuyền nhằm thay đổi nhận thức cho bà con. Tùy vào đối tượng, thành phần dân tộc mà có cách thức vận động, tuyên truyền khác nhau, sát điều kiện thực tế, bản sắc văn hoá, để người dân hiểu, nhận thức đúng, đồng thuận cao chủ trương của tỉnh. Chỉ khi người dân nắm rõ chủ trương, chính sách, đồng tình ủng hộ thì việc triển khai các dự án trồng cây mắc ca trên diện rộng mới thành công.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top