Nâng cao hiệu quả chính sách phát triển nông nghiệp

05:57 - Thứ Năm, 21/04/2022 Lượt xem: 4672 In bài viết

ĐBP - Từ năm 2019, tỉnh ta thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh. Sau gần 3 năm thực hiện, người dân đã từng bước đổi mới tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa; chính sách đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

Người dân xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) chăm sóc đàn vịt bầu theo dự án liên kết chăn nuôi giống vịt bầu địa phương theo chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND.

Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND, đến hết 6/2021, toàn tỉnh đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện 39 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đã hình thành một số dự án liên kết chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng, thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Lúa gạo (Séng cù, Bắc thơm số 7), chè Shan tuyết, cá rô phi đơn tính, rau an toàn (su su, khoai sọ, bí đỏ); cây ăn quả (chanh leo, xoài Đài Loan, bưởi da xanh) góp phần từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung. Chính sách đã thu hút được 6 công ty, 13 hợp tác xã tham gia thực hiện các dự án liên kết. Một số dự án liên kết đã mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất (lúa gạo, cá rô phi đơn tính, vịt bầu), nhất là các dự án chăn nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, trình độ sản xuất của người dân, trình độ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã và năng lực cán bộ làm nông nghiệp được cải thiện, góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Thực tế cho thấy, quá trình tổ chức thực hiện chính sách còn nhiều hạn chế. Các dự án mới chỉ tập trung hỗ trợ thực hiện khâu sản xuất nông sản, chưa chú trọng vào các khâu chế biến, bao bì, tem nhãn; một số dự án hợp đồng cam kết thu mua thiếu tính ràng buộc chặt chẽ; chậm tiến độ; quy mô liên kết còn nhỏ lẻ, manh mún, tính bền vững chưa cao, đặc biệt là các dự án rau củ quả. Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số địa phương còn lúng túng, nhiều hộ tham gia liên kết chuỗi không đảm bảo điều kiện kinh tế để thực hiện phần kinh phí đối ứng; một số doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng về cung cấp giống chưa đạt yêu cầu. Tiềm lực và năng lực quản trị chuỗi giá trị, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thực hiện các trình tự triển khai dự án; các biện pháp kỹ thuật cơ bản về canh tác, phòng trừ sâu bệnh... của một số doanh nghiệp còn hạn chế.

Năm 2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa triển khai Dự án Liên kết tiêu thụ rau, củ, quả an toàn thực phẩm trên địa bàn xã Mường Báng. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng là đơn vị chủ trì thực hiện dự án có quy mô 1,2ha với 15 hộ tham gia. Dự án được hỗ trợ hệ thống nhà lưới để trồng rau, củ, quả an toàn. Sau 1 năm thực hiện dự án, hợp tác xã đã có sản phẩm bán ra thị trường, liên kết tiêu thụ với các đơn vị trường học trên địa bàn, tạo thu nhập cho các hộ dân tham gia dự án. Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện dự án còn bộc lộ một số hạn chế. Dự án được hỗ trợ hệ thống nhà lưới nhưng lại chưa có tiêu chuẩn về nhà lưới làm cơ sở nghiệm thu thanh, quyết toán. Thời gian hợp đồng liên kết chỉ kéo dài 1 năm trong khi theo quy định của chính sách là 3 năm. Hợp đồng liên kết yêu cầu bên hợp tác xã tuân thủ quy trình trồng trọt của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, song Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa lại chưa có quy trình; chưa có kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm.

Dự án Liên kết nuôi cá rô phi đơn tính tại hồ Hồng Sạt, huyện Điện Biên cũng chưa đảm bảo quy trình và đạt hiệu quả như mục tiêu của chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND đề ra. Dự án được triển khai từ tháng 8/2020 do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên làm chủ đầu tư, Hợp tác xã Thủy sản Hương Phú chủ trì dự án. Tham gia dự án có 19 hộ dân, mỗi hộ dân đối ứng 10 triệu đồng, nuôi chung 4 lồng cá và cử 1 người đại diện trông coi, bảo vệ, chăm sóc. Các hộ được hỗ trợ 50% chi phí thức ăn nổi và thuốc thú y, 70% chi phí mua cá giống, ngoài ra các hộ cũng mua thêm cá giống để nuôi chung cùng lồng của dự án. Dự án được đánh giá phù hợp với trình độ tập quán của người dân tại địa bàn; cá sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án còn một số bất cập như: Quy trình nuôi chưa thống nhất, tính phổ biến, nhân rộng cho các hộ dân không cao vì chỉ thuê 1 người trông coi, bảo vệ, chăm sóc. Bên cạnh đó, giá thu mua trong hợp đồng liên kết, chủ trì dự án chỉ bằng giá thị trường hoặc thấp hơn từ 300 - 500 đồng/kg là chưa phù hợp với mục tiêu của dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm (nâng cao giá trị gia tăng cho người dân). Thuyết minh dự án có quy trình sản xuất kèm theo nhưng thực tế hợp tác xã đã không thực hiện theo quy trình.

Thực tế cho thấy, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đã và đang tạo hiệu ứng tích cực, phát động phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh trong lĩch vực nông nghiệp, nhất là việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, hiệu quả các dự án chưa đảm bảo so với mục tiêu, kế hoạch của chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND. Thiết nghĩ, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tổ chức lựa chọn, thực hiện hỗ trợ phát triển các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, lợi thế địa phương theo hướng hàng hóa; tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, các nội dung có ưu thế, thế mạnh. UBND cấp huyện phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các nội dung hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, nội dung quy định, theo đúng mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư kiên quyết không lựa chọn, hợp tác với các chủ trì liên kết hạn chế về năng lực, tiềm lực, thiếu kinh nghiệm tổ chức sản xuất, không thực hiện theo đúng cam kết. Bên cạnh đó, cần huy động, lồng ghép các nguồn vốn được giao quản lý, sử dụng để mở rộng các nội dung hỗ trợ, phát triển các sản phẩm chủ lực, lợi thế theo liên kết để tạo vùng nguyên liệu, gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý... Từ đó nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đồng thời đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của địa phương.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top