Xuất khẩu thủy sản đang khởi sắc

14:07 - Thứ Sáu, 29/04/2022 Lượt xem: 2714 In bài viết

Những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản có nhiều tín hiệu tích cực. Cơ hội đang mở ra cho những mục tiêu tăng trưởng mới nhưng thách thức vẫn ở phía trước...

Xuất khẩu thủy sản khởi sắc ở các tháng đầu năm.

Nhiều tín hiệu tích cực

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chế biến, dịch vụ thủy sản Cà Mau - Huỳnh Thanh Tân, cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản có nhiều tín hiệu tích cực, các doanh nghiệp chế biến tôm đẩy mạnh thu mua nguyên liệu để bảo đảm các đơn hàng đã ký kết. Hiện nay, giá thu mua tăng cao nên người nông dân có lãi.

Cũng về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta - Phạm Hoàng Việt cho biết, hiện nhu cầu thủy sản trên thị trường thế giới tăng nên doanh nghiệp đã tăng công suất sản xuất, dù nguồn nguyên liệu trong nước đang hiếm. Sau thời gian dài hoạt động cầm chừng, đây là cơ hội để doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý I-2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 202. Dự báo trong tháng 4-2022, xuất khẩu thủy sản có thể đạt 934 triệu USD, tăng 25%, trong đó, xuất khẩu cá tra có thể tăng 80%; cá ngừ tăng 18%; tôm tăng 20%; mực, bạch tuộc tăng 25%. Hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang trở lại trạng thái bình thường. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế để kết nối và mở rộng khách hàng.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản của các thị trường đang rất cao, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Trong khi đó, giá nguyên liệu trong nước cũng tăng nên nông dân và doanh nghiệp đang tận dụng cơ hội thúc đẩy sản xuất.

Thúc đẩy phát triển bền vững

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I-2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, tăng trưởng vẫn chưa thật sự bền vững khi chi phí đầu vào như phí vận chuyển liên tục tăng, cũng là một khó khăn mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải đối mặt trong thời gian dài sắp tới.

Ở điểm nhìn khác, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản An Khoa (Cà Mau) Trần Văn Trung cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc vẫn gặp khó khăn bởi chính sách kiểm soát dịch Covid-19 của nước này, trong khi đó, thị trường Nga "đóng băng". Các thị trường khác thuận lợi hơn nhưng phải đối mặt với tình trạng thiếu tàu vận chuyển, thiếu container và giá thuê cao. Thời gian tới, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để thu mua nguyên liệu, tăng nguồn cung.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản thông tin: Các cơ quan chức năng sẽ tập trung tháo gỡ, xử lý các vướng mắc liên quan thị trường Trung Quốc, Mỹ; đồng thời triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam.

Năm 2022 được xem là năm bản lề cho việc khai thác thủy sản bền vững, khi một loạt quy hoạch, chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực này được Chính phủ phê duyệt. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản; trong đó, điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi và tăng giá trị sản xuất đối với sản phẩm. Với năm 2022, ngành thủy sản đề ra mục tiêu: Sản lượng khai thác đạt 3,78 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng 4,95 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9 tỷ USD. 

Cùng với việc thông tin thị trường, các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp đã có hàng xuất khẩu sang Nga nhưng giao dịch tài chính bị đình trệ; đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản (VASEP) để xử lý những khó khăn trước mắt do ngưng trệ thị trường. 

Cùng với đó, các địa phương cần đôn đốc, hướng dẫn ngư dân triển khai nhiệm vụ khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC); tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để bảo đảm nguồn cung phục vụ cho xuất khẩu và đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top