Thu hẹp khoảng cách các vùng kinh tế động lực

05:46 - Thứ Sáu, 06/05/2022 Lượt xem: 4386 In bài viết

ĐBP - Toàn tỉnh có 3 vùng kinh tế, gồm: Vùng kinh tế động lực nằm dọc quốc lộ 279 (TP. Điện Biên Phủ và các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông); vùng kinh tế nông - lâm nghiệp sinh thái ven sông Đà (TX. Mường Lay và các huyện: Tủa Chùa, Mường Chà); vùng kinh tế Nậm Pồ - Mường Nhé. Việc tập trung khai thác lợi thế và phát triển vùng kinh tế đã góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, huyện Mường Nhé chú trọng sắp xếp ổn định dân cư. Trong ảnh: Một góc bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn sau khi sắp xếp, bố trí dân cư.

Theo định hướng phát triển, vùng kinh tế dọc quốc lộ 279, tập trung phát huy chuỗi đô thị TP. Điện Biên Phủ, trung tâm huyện lỵ Đện Biên, thị trấn Mường Ảng, Tuần Giáo và khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Tây Trang làm nền tảng căn bản cho việc phát triển công nghiệp và du lịch, dịch vụ; phát huy thế mạnh cây trồng, đặc biệt là sản xuất lương thực, cây công nghiệp, công nghiệp khai thác, chế biến và các ngành dịch vụ. Đối với vùng kinh tế nông - lâm nghiệp sinh thái ven sông Đà, phát triển mở rộng diện tích chè cây cao, quy hoạch và từng bước triển khai tuyến vận tải đường thủy gắn với du lịch trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Đồng thời, khoanh nuôi và bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng trồng kết hợp với rừng sản xuất. Còn vùng kinh tế Nậm Pồ - Mường Nhé tập trung sắp xếp ổn định dân cư, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về đất đai, rừng, chăn nuôi đại gia súc kết hợp với phát triển các loại cây công nghiệp; kinh tế cửa khẩu.

Trên cơ sở đó, các địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư và triển khai các giải pháp thực hiện, khai thác thế mạnh của từng vùng. Đặc biệt, vùng kinh tế dọc quốc lộ 279, với TP. Điện Biên Phủ là đô thị hạt nhân đã tập trung thực hiện tái cơ cấu các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ dọc tuyến quốc lộ 279. Hình thành, phát triển 3 cụm liên kết ngành công nghiệp, như: Cụm công nghiệp Na Hai (huyện Điện Biên); cụm công nghiệp phía Đông (huyện Tuần Giáo) diện tích 50,3ha; cụm công nghiệp hỗn hợp xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) với diện tích 15ha. Đồng thời hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, như: Vùng sản xuất lúa gạo lòng chảo Điện Biên; mắc ca Tuần Giáo, Điện Biên; cây ăn quả, cà phê Mường Ảng, Tuần Giáo. Đến nay, vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 279 đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Cùng với đó, tổ chức xây dựng và xác nhận hơn 20 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm nghiệp an toàn; nhờ đó giá trị sản phẩm được nâng lên từ 20 - 30%. Với sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua, vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 279 đóng góp trên 70% tổng sản phẩm toàn tỉnh.

Để phát huy những lợi thế sẵn có, đặc biệt là hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, thời gian qua các huyện Mường Chà, Mường Lay và Tủa Chùa tập trung triển khai thực hiện Đề án Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào tái định cư Thủy điện Sơn La; phát triển các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh trên địa bàn. Mỗi địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch tương xứng với điều kiện thực tế. Điển hình, huyện Tủa Chùa có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái và văn hóa, với hệ thống hang động đã được công nhận cấp quốc gia, bãi đá Tả Phìn, lòng hồ Thủy điện Sơn La... Để phát huy thế mạnh đó, Huyện ủy Tủa Chùa ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển du lịch Tủa Chùa, giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 600ha chè, tập trung tại các xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng và Sính Phình. Mỗi năm, cây chè cho thu hoạch hơn 80 tấn búp tươi, tương ứng với khoảng 15 tấn chè khô. Một số sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP.

Với lợi thế sông nước, TX. Mường Lay đã xây dựng và đang tập trung thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội; duy trì tổ chức Lễ hội Đua thuyền đuôi én, lễ Kin Pang Then... Năm 2018, di tích lịch sử Pú Vạp được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, phục vụ cho phát triển du lịch của địa phương. Đại hội Đảng bộ TX. Mường Lay lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu phấn đấu đưa thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm 62% trong tổng cơ cấu kinh tế và 24% trong tổng cơ cấu lao động trong các ngành, lĩnh vực. Điều đó cho thấy sự quyết tâm phát triển dịch vụ - du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đối với vùng kinh tế Nậm Pồ - Mường Nhé tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, phát triển lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng đầu tư, nâng cấp và mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết, thông thương dễ dàng giữa các vùng.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top