Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tủa Chùa

05:49 - Thứ Sáu, 06/05/2022 Lượt xem: 3815 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, huyện Tủa Chùa đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đã thay đổi diện mạo nông thôn; nhiều mô hình sinh kế triển khai, nhân rộng giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống, từng bước giảm nghèo bền vững.

Người dân xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) phát triển chăn nuôi gia cầm từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018.

Hiện nay, hệ thống chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khá đầy đủ và toàn diện, bao quát mọi mặt lĩnh vực đời sống, xã hội. Người dân vùng đồng bào dân tộc huyện Tủa Chùa được thụ hưởng gần như toàn bộ các chính sách hỗ trợ mà Trung ương phân bổ về tỉnh Điện Biên. Trong đó có nhiều chính sách được triển khai thực hiện hiệu quả, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây dựng 157 công trình với tổng mức đầu tư trên 1.004,6 tỷ đồng. Trong đó đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 137 công trình giao thông với tổng mức đầu tư 53,736 tỷ đồng. Nhờ đó, hiện nay toàn huyện có 150,5/240km đường liên xã; 56,6/233,5km đường trục xã và 52,7/356km đường trục thôn được cứng hóa (rải nhựa, bê tông hoặc cấp phối). Đối với hệ thống thủy lợi, đã kiên cố hóa được 14,5km, đưa tổng số kênh mương được kiên cố hoá lên 94,2/134,6km. Tổng diện tích trồng trọt được tưới tiêu chủ động bằng công trình thủy lợi trên địa bàn là 1.549,5ha.

Bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng, công tác nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sinh kế cũng được huyện Tủa Chùa quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2016 đến nay, toàn huyện đã triển khai 37 mô hình chuyển đổi tập quán chăn nuôi (cá, gà, vịt, lợn, dê, trâu, bò) tại 12 xã, thị trấn với tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước đầu tư 5,815 tỷ đồng và người dân đối ứng 2,829 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, chính sách tạo đất sản xuất được triển khai trên địa bàn 12 xã, thị trấn với tổng số 72 dự án hỗ trợ 3.443 con giống gia súc (trâu, bò, lợn, dê), 23.878 con giống gia cầm, 12.240 cây giống ăn quả, 943 bộ máy móc thiết bị cho 4.917 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh là một trong những chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đã và đang được huyện Tủa Chùa triển khai thực hiện hiệu quả. Năm 2021, huyện Tủa Chùa đã triển khai 5 dự án liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm vịt bầu địa phương (2.960 con), ngô lai VN885 (34ha), đào địa phương (2,5ha), lúa bắc thơm số 7 và lúa TBR225 (52ha), trồng mới 25,5ha mắc ca và tiếp tục chăm sóc năm thứ 2 đối với 18,5ha mắc ca trồng năm 2020, với tổng số 580 hộ tham gia trên địa bàn các xã: Mường Đun, Tủa Thàng, Mường Báng, Trung Thu, Xá Nhè và thị trấn Tủa Chùa; hỗ trợ 13 lồng bè nuôi cá cho 13 hộ trên địa bàn xã Tủa Thàng, Huổi Só.

Ông Cà Văn Phiến, Chủ tịch UBND xã Mường Đun cho biết: Năm 2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vịt bầu địa phương trên địa bàn xã với 37 hộ dân tham gia, tổng mức đầu tư dự án gần 400 triệu đồng. Sau hơn 4 tháng triển khai, dự án đạt hiệu quả cao, vịt có trọng lượng đạt và vượt so với kế hoạch, 100% sản phẩm được liên kết tiêu thụ. Dự án kết thúc, các mô hình vẫn được duy trì và mở rộng quy mô. Từ đó, tăng thu nhập và mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trên địa bàn. Phát huy hiệu quả dự án, năm 2022, UBND huyện tiếp tục lựa chọn xã Mường Đun để thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vịt bầu địa phương giai đoạn II. Hiện nay, dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện.

Nâng cao chất lượng nguồn lao động và giải quyết việc làm là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện Tủa Chùa. Từ năm 2016 đến nay, thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm, Quỹ Vì người nghèo, các chính sách tín dụng ưu đãi, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm... huyện Tủa Chùa đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm mới cho 7.530 người. Trong đó, Quỹ Quốc gia về việc làm đã cho 595 lao động vay vốn tạo việc làm với số tiền 21,602 tỷ đồng; xuất khẩu 62 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước giảm nghèo bền vững. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 28,9%, lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 98%.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top