Mường Ảng phát triển mắc ca thành vùng sản xuất tập trung

05:45 - Thứ Sáu, 13/05/2022 Lượt xem: 3660 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh, huyện Mường Ảng đã ban hành chiến lược phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển mắc ca vào địa bàn, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo việc làm, đem lại giá trị thu nhập, tăng tỷ lệ che phủ rừng.

Công nhân Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên chăm sóc mắc ca tại xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng). Ảnh: C.T.V

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Tổng diện tích mắc ca trên địa bàn huyện là 220ha, trong đó 215ha được đầu tư năm 2020, tình hình cây phát triển khá tốt. Đối với 5ha còn lại được trồng thí điểm từ năm 2009, hiện số diện tích này đã cho thu hoạch với năng suất ước đạt hơn 10 tạ/ha (đã tách vỏ). Do chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các diện tích người dân trồng đều là nhỏ lẻ, năng suất sản lượng thấp, chất lượng hạt chưa cao, thậm chí có diện tích không có quả, đặc biệt là diện tích trồng xen với cây cà phê. Bên cạnh đó, người dân chưa nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc và chưa quan tâm đầu tư vào loại cây này; còn với diện tích trồng mới tại xã Ngối Cáy chủ yếu là tự phát. Nhận thấy cây mắc ca có đặc tính sinh học phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng ở địa phương, có thể trông thuần hoặc xen canh, là cây đa mục đích và được trồng trên đất quy hoạch lâm nghiệp, do đó việc trồng mắc ca vừa tạo việc làm, đem lại giá trị thu nhập, vừa tăng tỷ lệ che phủ rừng, phù hợp với điều kiện thực tế Mường Ảng.

Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông, lâm gắn với xây dựng nông thôn mới, định hướng cơ chế chính sách đối với các dự án trồng mắc ca. Trên cơ sở đó, huyện Mường Ảng đã ban hành Nghị quyết về Đề án Tái cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, và lựa chọn cây mắc ca là mục tiêu phát triển tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tạo sự chuyển biến trong nhận thức đối với cán bộ công chức, người lao động về chiến lược, định hướng về cơ chế, chính sách của tỉnh về phát triển cây mắc ca, cũng như giá trị kinh tế khi thực hiện dự án. Đồng thời, thu hút các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư, tạo giá trị kinh tế và công ăn việc làm cho người dân, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, yêu cầu  đặt ra là việc phát triển cây mắc ca phải theo định hướng, áp dụng khoa học kỹ thuật thâm canh có hiệu quả kinh tế cao và có tính bền vững; gắn với sinh kế của người dân địa phương và chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, tổng diện tích dự kiến trồng mắc ca trên địa bàn huyện là 12.655ha, trong đó đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ chưa có rừng là 4.433ha; đất thuộc quy hoạch rừng sản xuất chưa có rừng là 1.679ha, và đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 6.542ha, với tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn là 513,134 tỷ đồng. Công tác đo đạc, quy chủ diện tích phát triển dự án được thực hiện theo quy hoạch; các xã thành lập các tổ hợp tác xã (HTX), HTX mắc ca, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm mắc ca; đồng thời vận động nông dân sản xuất giỏi, có uy tín đứng ra sáng lập thành viên HTX để các bộ máy hoạt động hiệu quả, thiết thực nhất. Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cây mắc ca trên địa bàn, huyện Mường Ảng đưa ra 2 hình thức để các nhà đầu tư lựa chọn: Cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện dự án. Hình thức này khuyến khích doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước đối với những vùng quy hoạch rừng phòng hộ nhưng chưa có rừng, và những diện tích tập trung thuộc quy hoạch rừng sản xuất và đất nương vượt quá hạn mức giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức của tỉnh. Hình thức thứ 2 là người dân chủ động tổ chức sản xuất trên diện tích đất của mình theo hạn mức giao đất của tỉnh (không quá 5ha/hộ).

Hiện tại trên địa bàn huyện Mường Ảng có 2 HTX mắc ca, đó là HTX Mắc ca bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa và HTX Mắc ca thuộc xã Búng Lao. Các địa phương khác cũng đang triển khai hoàn thiện thủ tục thực hiện.

Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top