Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

08:34 - Thứ Sáu, 17/06/2022 Lượt xem: 4156 In bài viết

ĐBP - Giải ngân vốn đầu tư công được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến thời điểm này tiến độ giải ngân vốn còn chậm.

Công nhân Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng và Thương mại Tùng Lâm thi công dự án san ủi mặt bằng trung tâm huyện Nậm Pồ.

Năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước được HĐND tỉnh thông qua hơn 2.933 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 1.676 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương hơn 1.256 tỷ đồng. Để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ cuối năm 2021, UBND tỉnh đã phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công đến từng sở, ngành, UBND cấp huyện, các chủ đầu tư, chủ dự án (đến nay 100% tổng vốn đầu tư đã được phân bổ chi tiết). Đồng thời chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các ngành, các cấp xác định việc triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Lũy kế thanh toán kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước tính đến hết tháng 5/2022 đạt 35,81% kế hoạch (không bao gồm kế hoạch vốn tiền thu sử dụng đất, do chưa có nguồn thu để giải ngân và các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được giao chi tiết). Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương (không bao gồm tiền thu sử dụng đất) đạt 40,53% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương đạt 33,09% so với kế hoạch vốn giao. Mặc dù tỷ lệ giải ngân cao hơn so với bình quân chung của cả nước (25,78%) và cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng so với kế hoạch còn chậm.

Nguyên nhân được xác định là do một số nguồn vốn chưa có số thu để thực hiện các dự án đầu tư như: Vốn xổ số kiến thiết, vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất của tỉnh. Các dự án khởi công mới đang thực hiện lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn, lập thiết kế bản vẽ thi công trong quý I/2022 nên chưa có khối lượng giải ngân. Công tác giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án còn hạn chế. Giá nhiên liệu, vật liệu thời gian qua tăng cao, đặc biệt là sắt, thép, xăng dầu, làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của các nhà thầu thi công xây lắp, nhất là đối với các gói thầu thực hiện theo loại hợp đồng trọn gói, một số dự án phải thực hiện điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển các khu đô thị tạo nguồn thu từ đất đai còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Trong 5 tháng đầu năm chưa có nguồn thu tạo ra từ đấu giá quyền sử dụng đất để bố trí cho các dự án trọng điểm của tỉnh.

Ngoài ra, nguồn vốn ODA chưa giải ngân do chưa được Trung ương chuyển nguồn cho địa phương. Cụ thể: Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, UBND TP. Điện Biên Phủ đã có đơn đề nghị Kiểm toán Nhà nước chấp thuận khối lượng đã nghiệm thu (kiểm soát theo kết quả đầu ra) làm căn cứ pháp lý gửi các bộ, ngành thẩm định và chuyển kinh phí thực hiện vốn giao năm 2022; dự án quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm đang hoàn thiện các thủ tục để chi trả Bộ Tài chính phí thẩm cứu, phí quản lý cho vay lại và phí cam kết trước đợt giải ngân đầu tiên của khoản vay theo hợp đồng vay lại giữa địa phương và Bộ Tài chính; cùng với đó chủ đầu tư đã hoàn tất các thủ tục đề nghị Bộ Tài chính chuyển nguồn kinh phí thực hiện vốn giao năm 2022.

Mục tiêu của tỉnh đến hết tháng 9/2022 phải thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn các dự án hoàn thành và chuyển tiếp, 75% kế hoạch vốn các dự án khởi công mới, 70% kế hoạch vốn các dự án khởi công mới sử dụng nguồn vốn ODA thuộc kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2022; đảm bảo đến hết năm 2022 thực hiện giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch.

 Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để đạt được mục tiêu, giải pháp đề ra là tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch đầu tư công, nhất là vốn ODA. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các đơn vị, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn. Đối với các dự án chuyển tiếp, đang triển khai thực hiện, yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư tập trung đôn đốc các nhà thầu huy động nguồn lực, nhân lực, máy móc thiết bị và các điều kiện cần thiết khác đẩy nhanh tiến độ thi công. Thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định để đẩy nhanh tốc độ giải ngân đảm bảo đạt tiến độ kế hoạch. Kiên quyết không giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án cho cơ quan, đơn vị không đảm bảo về năng lực, thiếu kinh nghiệm, hoặc các đơn vị đã để xảy ra tình trạng dự án chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng; trường hợp cần thiết báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chuyển chủ đầu tư đối với các dự án đã giao chủ đầu tư nhưng chậm triển khai. Yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể có liên quan; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân để dự án chậm tiến độ, phải trả lại nguồn vốn cho Trung ương, không đảm bảo chất lượng; nghiệm thu, quyết toán khống khối lượng; nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top