Khẩn trương triển khai trồng rừng

08:36 - Thứ Sáu, 17/06/2022 Lượt xem: 5135 In bài viết

ĐBP - Mùa trồng rừng năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu trồng hơn 7.300ha rừng tập trung (bao gồm cả cây mắc ca); 180ha rừng phòng hộ, rừng thay thế; 150ha rừng sản xuất và 120ha lâm sản ngoài gỗ… Căn cứ chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng, các địa phương, đơn vị đã triển khai đến từng xã, thị trấn và các chủ rừng trên địa bàn tổ chức thực hiện.

Cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Điện Biên hướng dẫn người dân xã Mường Nhà kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ rừng trồng năm thứ 2.

Để đảm bảo chất lượng trồng rừng, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trồng rừng thay thế thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng thay thế đảm bảo các quy định về quản lý công trình lâm sinh. Qua theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện trồng rừng thay thế cho thấy, một số đơn vị thực hiện tốt, chất lượng rừng đảm bảo, hầu hết diện tích rừng trồng sau khi hết giai đoạn đầu tư đạt các tiêu chí thành rừng như: Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên; Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng.

Là một trong những đơn vị được cơ quan chuyên môn đánh giá cao trong công tác thực hiện trồng rừng thay thế, chất lượng rừng đảm bảo, hầu hết diện tích rừng trồng sau khi hết giai đoạn đầu tư đều đạt các tiêu chí thành rừng, năm 2022 Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Điện Biên được giao trồng 22,96ha rừng thay thế. Để chủ động trong việc trồng rừng, ngay từ đầu năm Ban đã triển khai các bước và tổ chức khảo sát thiết kế diện tích rừng trồng thay thế; hướng dẫn các hộ nhận khoán thực hiện hoàn thiện các công đoạn phát dọn, đào hố chuẩn bị trồng rừng; đồng thời tổ chức cấp phân NPK bón lót, thuốc mối, cấp cây giống... để đảm bảo mùa vụ.

Ông Bùi Nam Thái, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Điện Biên cho biết: Để có được sự đồng thuận của người dân, tích cực tham gia trồng rừng, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Điện Biên cũng chủ động thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng đến việc phối hợp với các cơ quan liên quan của huyện và các xã để làm công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ được vai trò của rừng nói chung, sự cần thiết của việc trồng rừng ở địa phương hiện nay. Mùa trồng rừng năm nay có nhiều thuận lợi đó là mưa sớm song cũng là khó khăn vì mưa nhiều làm ảnh hưởng đến việc phát dọn, đào hố chuẩn bị cho việc xuống giống. Mưa nhiều còn ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa nương của người dân trên diện tích được thiết kế trồng. Song đến thời điểm hiện tại, diện tích rừng trồng thay thế đã được chuẩn bị xong, sẵn sàng cho vụ trồng rừng năm 2022.

Huyện Mường Ảng được giao 75ha rừng trồng các loại năm 2022, trong đó có 55ha rừng phòng hộ và 20ha rừng sản xuất. Đến nay dự ước thực hiện được 10ha rừng phòng hộ. Ông Kiều Xuân Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Kế hoạch trồng rừng năm nay của huyện khả năng là không đạt. Có 2 nguyên nhân chậm đó là một phần diện tích người dân tập trung trồng mắc ca; các diện tích trồng rừng tập trung chủ yếu tại khu vực vùng cao, vùng sâu đi lại khó khăn. Bên cạnh đó tập quán sản xuất, đời sống kinh tế của người dân vẫn dựa chủ yếu vào làm nương, trong khi quỹ đất sản xuất nông nghiệp hạn hẹp nên họ lo lắng khi trồng rừng sẽ mất đất sản xuất.

Bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Theo kế hoạch năm 2022, các địa phương trong tỉnh được giao trồng 62,68ha rừng thay thế rừng phòng hộ. Ngoài ra, các đơn vị tiếp tục chăm sóc, bảo vệ 188,23ha rừng trồng thay thế, trong đó: chăm sóc rừng trồng năm thứ 4 là 41,34ha; bảo vệ rừng trồng các năm 1, 2, 3 là 146,89ha. Đến thời điểm hiện tại các ban quản lý rừng phòng hộ được giao kế hoạch đã triển khai chuẩn bị địa bàn theo kế hoạch giao và chuẩn bị trồng rừng trong tháng 6, 7.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top