TP. Điện Biên Phủ chú trọng phát triển sản phẩm OCOP

07:36 - Thứ Hai, 20/06/2022 Lượt xem: 3086 In bài viết

ĐBP - Xác định các sản phẩm OCOP đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp người sản xuất có điều kiện nâng cao thu nhập, phát triển đời sống và nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, TP. Điện Biên Phủ đã triển khai nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương.

Cán bộ Phòng Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp TP. Điện Biên Phủ tổng kết mô hình sản xuất, trồng cây bí xanh thơm tại xã Nà Nhạn.

Vừa qua, tại xã Nà Nhạn, Phòng Kinh tế  và Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp TP. Điện Biên Phủ tổng kết mô hình sản xuất, trồng cây bí xanh thơm và mô hình sản xuất, trồng cây dưa xá. Đây là 2 mô hình được triển khai nhằm lựa chọn sản phẩm phát triển OCOP trên địa bàn xã Nà Nhạn. Trong thời gian thực hiện 2 mô hình, hơn 30 hộ dân đã nắm được quy trình, cách thức tiến hành sản xuất, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây dưa xá và bí xanh thơm. Các sản phẩm dưa xá và bí xanh thơm trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo yêu cầu, cung cấp các sản phẩm chất lượng tốt cho người tiêu dùng. Từ đó, giúp chính quyền địa phương và người dân xác định được hướng phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Đánh giá về tiềm năng xây dựng sản phẩm dưa xá và bí xanh thơm làm sản phẩm OCOP tại xã Nà Nhạn, ông Trần Văn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp thành phố cho biết: Mô hình sản xuất, trồng cây bí xanh thơm và mô hình sản xuất, trồng cây dưa xá đã đạt những kết quả tích cực, khẳng định được chất lượng nông sản tại địa phương. Tuy nhiên, để phát triển các sản phẩm trên theo hướng OCOP, UBND xã Nà Nhạn cần tiếp tục tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho người dân nhằm nâng cao năng lực các chủ thể người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; triển khai đến các hộ dân duy trì, phát triển và nhân rộng mô hình trong các vụ tiếp theo, tiến tới hình thành thương hiệu dưa xá Nà Nhạn, bí xanh thơm Nà Nhạn. Cùng với đó, người dân cần tuân thủ sản xuất theo quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm; quan tâm đến công tác tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, tiêu thu sản phẩm; chú trọng việc dán mác xây dựng thương hiệu dưa xá và bí xanh thơm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP; tăng cường liên kết bao tiêu sản phẩm.

Việc triển khai các mô hình sản xuất kỹ thuật cao là một trong nhiều chính sách được thành phố triển khai nhằm tạo điều kiện phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương. Cùng với đó, thành phố thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung đẩy mạnh phát triển các cây trồng, vật nuôi thế mạnh của địa phương, giúp hình thành hàng hóa sản xuất chuyên canh theo hướng mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và sản xuất theo chuỗi liên kết. Để chuẩn hóa các sản phẩm lợi thế theo tiêu chuẩn OCOP, thành phố tích cực đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; hỗ trợ xúc tiến thương mại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các nhà sản xuất; thực hiện kiểm nghiệm đảm bảo các quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với các hợp tác xã, hộ dân khi được lựa chọn tham gia chương trình OCOP đã tự giác nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi dần tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô tập trung với các sản phẩm chủ yếu như: Gạo séng cù Điện Biên, gạo tám thơm Điện Biên, đông trùng hạ thảo khô, mật ong…

Năm 2022, thành phố tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống thực hiện đề án OCOP; xây dựng hồ sơ chứng nhận lại cho 9 sản phẩm OCOP hết hiệu lực về thời gian; tổ chức đánh giá, công nhận các sản phẩm OCOP cấp thành phố và thực hiện mục tiêu phát triển mới 5-10 sản phẩm đạt tiêu chí từ 3 sao trở lên. Bà Trần Thị Mai, Trưởng phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, triển khai tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng bằng nhiều hình thức để người dân biết và tham gia. Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ OCOP; xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn. Thực hiện huy động tối đa các nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác nhằm thực hiện hiệu quả chương trình.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top