Ưu tiên vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn

07:17 - Thứ Tư, 13/07/2022 Lượt xem: 3203 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn và nông dân), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Điện Biên (Agribank Điện Biên) đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Điện Biên.

Trong những năm trở lại đây, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho lĩnh vực “tam nông” đã được ban hành. Đơn cử Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định quy định rất chi tiết, cụ thể các chính sách hỗ trợ về mặt tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư. Trên cơ sở đó, Agribank Điện Biên đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm để chuyển tải nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với mô hình tổ vay vốn, Agribank Điện Biên đã triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đến người dân vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Agribank đã rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn để áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng ngay từ những ngày đầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Triển khai các gói hỗ trợ khách hàng, giảm lãi suất cho tất cả các khách hàng; thực hiện cơ cấu lại một số khoản vay đối với những khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đơn giản hóa thủ tục vay vốn, bảo đảm an toàn vốn vay, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hiệu quả.

Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, những năm qua dư nợ cho vay hộ sản xuất, cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 7.233 tỷ đồng (bao gồm cả quy đổi ngoại tệ). Trong đó, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 59,1%, với 17.046 khách hàng dư nợ. Agribank Điện Biên cũng chủ động thực hiện các biện pháp gỡ khó cho khách hàng trong trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khách hàng có nhu cầu vay vốn sẽ được phân theo các chương trình cho vay: Chi phí sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; chế biến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn...

Theo ông Vũ Anh Thắng, Phó Giám đốc Agribank Điện Biên, việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần đa dạng ngành nghề, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến đến đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn. Tiếp cận nguồn vốn tín dụng nông nghiệp nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, nhiều hộ nông dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng. Từ đó đã góp phần phát triển kinh tế hộ, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập cao; các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều khởi sắc trong kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động và đóng góp đáng kể nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Agribank Điện Biên phấn đấu đến cuối năm dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 70% tổng dư nợ nền kinh tế và dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân tối thiểu 70% trở lên. Để dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được khơi thông, thời gian tới đơn vị chủ động tăng cường các biện pháp huy động vốn, mở rộng lĩnh vực cho vay, chú trọng mở rộng đối tượng cho vay. Đồng thời, tăng cường duy trì mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương để phát triển thị trường, thị phần cho vay hộ sản xuất và cá nhân, cho vay theo thỏa thuận, cho vay theo tổ và lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top