Chậm tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia

07:37 - Thứ Tư, 09/11/2022 Lượt xem: 4674 In bài viết

ĐBP - Giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương phân bổ vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) muộn, ảnh hưởng đến tiến độ lập, giao kế hoạch của tỉnh. Do đó UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương gặp vướng mắc, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn chương trình MTQG đạt thấp.

Công nhân Công ty TNHH Hoàng Bắc thi công tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa.

Năm 2022, huyện Tuần Giáo được giao tổng kế hoạch vốn đầu tư và vốn sự nghiệp của 3 chương trình MTQG hơn 120,4 tỷ đồng (gồm vốn đầu tư hơn 87,2 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 33,2 tỷ đồng). Trong đó riêng vốn đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới hơn 28,3 tỷ đồng; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 1,2 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững hơn 57,6 tỷ đồng. Sau khi được phân bổ vốn, huyện Tuần Giáo đã tích cực triển khai thực hiện, song còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đến hết tháng 10/2022 mới đạt 15,5% kế hoạch vốn giao và tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp chỉ đạt 6,3%. Nguyên nhân do nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 chương trình MTQG được UBND tỉnh giao muộn (giao ngày 14/7/2022 và ngày 14/8/2022). Đồng thời, đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được phân bổ nguồn vốn lớn (hơn 57,6 tỷ đồng), nhưng là các dự án phải triển khai 2 bước và thực hiện thời gian lựa chọn các đơn vị tư vấn theo quy định nên thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình, dự án. Trong khi đó, nguồn vốn sự nghiệp đến giữa tháng 7 mới được UBND tỉnh giao dự toán; một số hướng dẫn để thực hiện dự án và các tiểu dự án của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh ban hành chậm (một số dự án, tiểu dự án chưa ban hành văn bản hướng dẫn) nên việc triển khai thực hiện và giải ngân, thanh toán gặp nhiều khó khăn. Điển hình, tại dự án 2 của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, hiện chưa quy định áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật, chưa quy định mức kinh phí tối đa cho dự án và chưa có định mức hỗ trợ cho 1 hộ nên chưa thực hiện được. Tương tự, tại tiểu dự án 1 (dự án 3) về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, chưa có quy định nội dung, mức hỗ trợ thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp...

Tại huyện Tủa Chùa, tổng vốn đầu tư 3 chương trình MTQG năm 2022 là gần 134 tỷ đồng để thực hiện 15 công trình, dự án và vốn sự nghiệp hơn 27,2 tỷ đồng. Hiện nay, mới chỉ có một số dự án đang được triển khai thi công, như: Nhà văn hóa thôn Từ Ngài 1, xã Mường Báng; Thủy lợi Nà Luông Tinh, bản Đun, xã Mường Đun; nâng cấp đường nội thôn Tà Huổi Tráng 1, xã Tủa Thàng... Còn lại hầu hết các dự án thuộc các chương trình đang trong quá trình phê duyệt hoặc đang trình thẩm định thiết kế xây dựng. Đặc biệt, các chương trình thuộc nguồn vốn sự nghiệp đến nay chưa triển khai thực hiện được. Vì vậy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư mới đạt 6,75% kế hoạch, nhất là vốn sự nghiệp chưa giải ngân được.

Theo ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, nguyên nhân do hiện nay các dự án đang trong thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu; một số sự án khởi công mới năm 2022 phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thanh lý tài sản ảnh hưởng tiến độ thi công, dẫn đến chưa có khối lượng thanh toán. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao đã tác động trực tiếp đến chi phí doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng tiến độ dự án...

Không chỉ huyện Tuần Giáo và Tủa Chùa, các huyện, thị trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn trong việc triển khai các chương trình MTQG. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh được phân bổ hơn 4.338 tỷ đồng. Riêng năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển gần 1.152 tỷ đồng cho cả 3 chương trình, gồm: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 478 tỷ đồng; chương trình xây dựng nông thôn mới gần 187,5 tỷ đồng và chương trình giảm nghèo hơn 486,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9/2022, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh mới đạt 20% kế hoạch vốn.

Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư (công tác GPMB, tổ chức lựa chọn nhà thầu...) của các dự án thành phần đối với các dự án dự kiến bố trí vốn năm 2022 để sớm triển khai thi công, giải ngân vốn ngay khi được phân bổ. Đồng thời tập trung đẩy nhanh các thủ tục đối với các dự án khởi công mới năm 2023. Các huyện cũng đề nghị tỉnh kiến nghị với Trung ương cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư năm 2022 đến hết tháng 6/2023; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện một số dự án, tiểu dự án.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top