Phát triển thủy điện nhỏ và vừa

07:43 - Thứ Sáu, 11/11/2022 Lượt xem: 8818 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 17 dự án thủy điện nhỏ và vừa đã hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác; 9 nhà máy thủy điện đang trong quá trình thi công, xây dựng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác 2 nhà máy thủy điện: Mùn Chung 2 (công suất 9MW) phát điện thương mại ngày 11/4/2022; Sông Mã 3 (29,5MW) phát điện thương mại ngày 10/9/2022; công suất tăng thêm của 2 nhà máy là 38,5 MW.

Bên cạnh phát triển các công trình thủy điện nhỏ và vừa, tỉnh ta cũng chú trọng thu hút đầu tư các dự án trạm biến áp, đường dây và tuyến đường dây 35kV, 110kV huyết mạch để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đấu nối, giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng trên địa bàn hòa vào lưới điện quốc gia. Từ đầu năm đến nay, đã hoàn thành xây dựng đưa vào vận hành khai thác tuyến đường dây 110kV: Điện Biên 2 - Điện Biên Đông - Thủy điện Sông Mã 3, Điện Biên - Mường Chà (giai đoạn 2). Tiếp tục thi công xây dựng tuyến đường dây 110kV Mường Chà - thủy điện Long Tạo.

Công trình Thủy điện Mường Luân 1 dự kiến phát điện vào cuối năm 2022 (ảnh chụp tháng 1/2022).

Đầu tư, phát triển các dự án thủy điện nhỏ và vừa đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. Theo báo cáo của UBND tỉnh, 9 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 2.289,62 tỷ đồng, tăng 9,91% so với cùng kỳ năm trước, đạt 66,14% kế hoạch. Trong đó lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 35,92%. Dự kiến những tháng cuối năm 2022, tỉnh ta tiếp tục phát điện thương mại cho 2 nhà máy thủy điện: Mường Luân 1 (10MW) và Huổi Chan 1 (15MW) với tổng công suất tăng thêm là 25MW.

Công trình Thủy điện Huổi Chan 1 (bản Huổi Chan, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên) khởi công từ tháng 2/2020, có công suất thiết kế 15MW với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6 làm chủ đầu tư. Đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành tất cả các hạng mục. Ông Bùi Đức Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 cho biết: “Hiện nay, Nhà máy Thủy điện Huổi Chan đang trong quá trình hoàn thiện một số hồ sơ thủ tục liên quan đến việc phát điện. Dự kiến nhà máy sẽ chính thức vận hành, khai thác và phát điện thương mại vào giữa tháng 12/2022”.

Ngoài Thủy điện Huổi Chan 1, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công 2 nhà máy thủy điện khác trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Theo lộ trình, trong vòng 5 năm tới, Công ty dự kiến đầu tư khoảng 8 nhà máy thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, Công ty Cổ phần SCI Điện Biên cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công Thủy điện Mường Luân 1. Tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, với 2 tổ máy, công suất 10MW. Công trình khởi công vào tháng 3/2021. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, Công ty đã bố trí công nhân làm việc ngày đêm, áp dụng các biện pháp tiên tiến, khoa học nên sau hơn 1 năm thi công đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính. Hiện nay, Công ty đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan để kịp tiến độ phát điện vào cuối năm 2022.

Chủ trương của tỉnh trong những năm tới là chú trọng phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ và vừa. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh ta tiếp tục vận hành khai thác ổn định, có hiệu quả các nhà máy thủy điện; đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, điện mặt trời theo quy hoạch. Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng điện năng đạt 938 triệu kWh, tổng công suất lắp đặt các nhà máy sản xuất điện là 329,5MW, trong đó nòng cốt vẫn là phát triển các thủy điện nhỏ và vừa.

Thực tế cho thấy, việc phát triển thủy điện nhỏ và vừa đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, góp phần đảm bảo nguồn năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, việc phát triển quá trình thủy điện nhỏ và vừa cũng kèm theo những hệ lụy xã hội như: Hàng trăm hecta rừng bị biến mất; hàng nghìn hecta đất sản xuất, đất ở của người dân bị chìm trong nước... ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân vùng dự án. Chính vì vậy, để đầu tư xây dựng và khai thác các dự án thủy điện nhỏ và vừa một cách hiệu quả và bền vững phải thực hiện nghiêm các quy định của phát luật, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế; thực hiện nghiêm túc và hiệu quả việc trồng rừng thay thế. Đồng thời, thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ người dân vùng dự án thỏa đáng và quan tâm công tác đào tạo, chuyển đổi ngành nghề để người dân sớm ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất sản xuất, đất ở để phát triển thủy điện.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top