Cần sự quyết liệt, đồng bộ

08:26 - Thứ Năm, 20/04/2023 Lượt xem: 4645 In bài viết

ĐBP - Thời gian gần đây, hàng loạt vụ gian lận thương mại xảy ra, không chỉ gây tổn thất cho các doanh nghiệp, Nhà nước mà còn ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng. Để phòng, chống thủ đoạn gian lận thương mại thì việc nhận diện hành vi vi phạm từ đó có giải pháp phòng, chống là vô cùng quan trọng.

Cán bộ Đội QLTT số 1, kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư y tế trên địa TP. Điện Biên Phủ.

Gian lận thương mại là các hành vi sản xuất, kinh doanh, mua, bán, xuất nhập khẩu, cung cấp dịch vụ, gian dối nhằm mục đích thu lợi bất chính. Các chủ thể thường sử dụng các hành vi như: lừa dối khách hàng thông qua việc cân, đo, đong, đếm, đánh tráo nhãn mác; lấy cắp bí mật kinh doanh; trốn thuế; kê khai gian dối hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu và rất nhiều các dạng hành vi khác nhau nhằm lẩn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng để thu lợi bất chính, dối lừa khách hàng. Ở lĩnh vực quản lý nhà nước, các hành vi vi phạm thể hiện dưới các nhóm phổ biến như: Vi phạm trong lĩnh vực đo lường (gian lận trong kinh doanh xăng dầu, dịch vụ vận chuyển, thực phẩm, hàng tiêu dùng hàng ngày...); vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm; vi phạm trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa...

Với kỹ thuật làm giả, nhái tinh vi, hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều và được bán công khai tại các chợ, cửa hàng.

Ông Lò Văn Âu, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Hàng giả hàng nhái không có nhãn hiệu thương mại hoặc logo giống hệt sản phẩm gốc. Thông thường, có thể nhận biết hàng nhái ở lỗi chính tả trong tên thương hiệu trên sản phẩm hoặc tên thành phần nguyên liệu; màu sắc của hàng nhái đậm hoặc nhạt hơn so với hàng thật. Chữ in trên bao bì của hàng nhái dễ bong tróc hơn rất nhiều so với hàng thật. Song hiện nay có nhiều sản phẩm giả được sản xuất hết sức tinh vi, bằng mắt thường hay hiểu biết về sản phẩm chưa sâu thì người tiêu dùng khó phân biệt được. Vì vậy, người dân cần phải nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ các sản phẩm trước khi mua.

Nhằm phòng, chống gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng, lực lượng QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, khách sạn, kinh doanh đồ lưu niệm; các sản phẩm nông sản: Măng khô, thịt sấy khô, mật ong, các loại rượu, thảo mộc. Qua đó kịp thời nhắc nhở, xử lý các vi phạm phổ biến về: Sản phẩm không tem mác, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá... Lực lượng QLTT cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh; yêu cầu các cơ sở, hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện niêm yết giá; không buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Trung tuần tháng 2/2023, Cục QLTT Điện Biên đã ban hành Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Cục QLTT đã công bố số điện thoại đường dây nóng “0215.3812.389” để kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân về các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu hàng hoá, phương tiện xuất nhập cảnh trên địa bàn tỉnh khá sôi động. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, tính chất vụ việc không lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Riêng trong tháng 3/2023, các ngành chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 198 lượt; phát hiện, bắt giữ xử lý 154 vụ, 172 đối tượng vi phạm. Trong đó lực lượng QLTT tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra 39 vụ, phát hiện xử phạt vi phạm hành chính 14 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 29,5 triệu đồng với các vi phạm chủ yếu về: Không niêm yết giá hàng hoá, vi phạm trong lĩnh vực y tế.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại, thông tin trung thực về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; có trách nhiệm trong giao dịch với người tiêu dùng. Đối với người dân, hãy là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín, nói không với hàng hóa vi phạm, đặc biệt là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Khi mua hàng hóa yêu cầu bên bán hàng cung cấp hóa đơn; cam kết thu hồi, bồi thường trong trường hợp hàng hóa không như giới thiệu, quảng cáo. Đối với loại hàng hóa có bảo hành yêu cầu bên bán hàng thực hiện đầy đủ quy định về bảo hành hàng hóa, như: Điều kiện, thời hạn, địa điểm và thủ tục bảo hành. Tích cực phối hợp với cơ quan chức năng khi phát hiện những dấu hiệu tiêu cực, gian lận thương mại để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Tú Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top