Giảm nỗi lo hạn hán

15:39 - Thứ Năm, 27/04/2023 Lượt xem: 3874 In bài viết

ĐBP - Sau nhiều ngày nắng nóng cao điểm, trên địa bàn tỉnh đã có những trận mưa góp phần hạ nhiệt, cung cấp lượng nước kịp thời cho cây trồng sinh trưởng, nhất là tại những địa bàn bị hạn, thiếu nước cục bộ.

Những trận mưa rào cung cấp thêm nước tưới giúp cây ăn quả giảm tỷ lệ rụng quả. Trong ảnh: Người dân xã Nà Tòng (huyện Tuần Giáo) chăm sóc cây ăn quả.

Hạ nhiệt mùa khô nóng

Những trận mưa rào trên diện rộng từ đêm 24/4 đến ngày 27/4 với lượng mưa phổ biến khoảng 30 - 40mm đã giúp thời tiết Điện Biên dịu mát sau thời gian dài khô hanh.

Chị Nguyễn Thị Huyền, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Từ đầu tháng 3 đến nay, nhiệt độ ngoài trời ở TP. Điện Biên Phủ luôn ở mức 35 – 36oC. Trời nắng nóng, đường phố bụi bặm thêm vào đó xuất hiện nhiều tàn tro do người dân đốt nương khiến không khí ngột ngạt. Mặc dù ra đường đã trang bị đầy đủ mũ, áo chống nắng, khẩu trang chống bụi nhưng vẫn thấy rất khó chịu. Những trận mưa rào làm thời tiết dịu mát hơn, đường đỡ bụi và nhất là giải quyết dứt điểm tình trạng tàn tro đốt nương.

Những trận mưa rào đã hạ nhiệt cho những cánh rừng, giảm nguy cơ cháy rừng mùa khô hanh. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu mùa khô đến hết tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 thời tiết khô hanh kéo dài, không có mưa đã khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp 4 – cấp 5. Khoảng 1 tháng gần đây, toàn tỉnh đã xảy ra gần 10 vụ cháy cây bụi và thảm thực vật dưới tán rừng. Những cơn mưa rào vừa qua đã tưới mát, làm ướt thảm thực vật, tăng độ ẩm, giảm nguy cơ cháy rừng.

Từ đầu mùa khô đến nay, toàn bộ lực lượng kiểm lâm, các tổ quản lý bảo vệ rừng và các chủ rừng huyện Điện Biên Đông luôn căng mình tuần tra, kiểm soát và sẵn sàng các phương án phòng cháy chữa cháy rừng. Trong 1 tháng qua, huyện Điện Biên Đông đã xảy ra 2 vụ cháy rừng tại xã Keo Lôm và Háng Lìa. Ông Nguyễn Trung Trường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông cho biết: "Đối với lực lượng quản lý, bảo vệ và PCCCR, những trận mưa rào thời điểm này quý như “vàng”. Mưa đã làm giảm nguy cơ cháy rừng; góp phần giảm áp lực và tạo ra khoảng thời gian từ 7 – 10 ngày cho lực lượng bảo vệ rừng nghỉ ngơi, củng cố lực lượng, phương tiện và bổ sung các phương án PCCCR trong thời gian tiếp theo".

Giải cơn khát cho cây trồng

Thời điểm này, cây trồng vụ đông xuân đang thời kỳ sinh trưởng phát triển rộ. Những cơn mưa rào đã góp phần giải cơn khát, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Mưa xuất hiện trong mấy ngày qua thực sự là những trận mưa “vàng” cho cây trồng vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh. Thời điểm này, phần lớn diện tích lúa đang giai đoạn làm đòng – trổ bông. Những trận mưa rào đã bổ sung lượng nước quý giá cho đồng ruộng. Đối với cây ăn quả, thời tiết khô hạn sẽ làm rụng quả vì thiếu nước nuôi cây. Những trận mưa đã cung cấp thêm nước tưới đồng thời bổ sung dinh dưỡng, chuyển hóa lượng đạm cần thiết cho các loại cây trồng cạn.

Vụ đông xuân năm nay huyện Tủa Chùa gieo cấy 582ha lúa nước, 133ha ngô xuân hè và đã trồng được 1.602ha ngô nương. Từ tháng 2 đến nay, thời tiết khô hanh kéo dài khiến nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, các đập đầu mối khô cạn, không thể cung cấp nước phục vụ sản xuất. Nắng nóng đã khiến 87ha lúa bị thiếu nước. Trong đó khoảng 15ha lúa tại các xã Mường Báng, Xá Nhè, Tủa Thàng và thị trấn Tủa Chùa bị thiếu nước trầm trọng.

Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Thời gian qua, để chống hạn cho lúa đông xuân, người dân các xã đã phải sử dụng máy bơm mi ni đưa nước từ các khe suối, ao hồ lên đồng ruộng. Song nguồn nước mặt tại các khe suối cũng đã cạn, khó khắc phục tình trạng thiếu nước. Rất may là từ đêm 24/4 đến nay đã xuất hiện những trận mưa khá lớn, cung cấp nước cứu lúa, giải hạn cho cây trồng, đồng thời bổ sung lượng nước mặt cho các ao hồ, khe suối. Qua kiểm tra, cơ bản diện tích lúa đông xuân bị thiếu nước tại các xã: Mường Báng, Tủa Thàng, Mường Đun, Xá Nhè và thị trấn Tủa Chùa đã được giải hạn nhờ những trận mưa. Những nương ngô, nương lúa được tưới ẩm sau nhiều ngày nắng nóng. Tuy nhiên, những trận mưa chỉ tập trung tại các xã phía Nam, khu vực phía Bắc của huyện chưa xuất hiện mưa, chính quyền địa phương và người dân vẫn thường trực nỗi lo thiếu nước cho cây trồng đông xuân.

Sau những trận mưa rào, thời tiết dịu mát, nông dân thị trấn Tủa Chùa xuống đồng kiểm tra, chăm sóc lúa đông xuân. Bà Nguyễn Thị Lưu, bản Tân Phong, thị trấn Tủa Chùa cho biết: Những trận mưa rào quý như “vàng”, đồng ruộng đang khô hạn, nứt nẻ được cấp thêm nước. Mặc dù lượng nước không quá nhiều song cũng giúp tưới ẩm cho cây lúa duy trì sinh trưởng phát triển. Một trận mưa rào bằng mấy lần bón đạm.

Trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, do hạn hán nên tiến độ gieo trồng các loại cây trồng vụ đông xuân như: Lúa nương, sắn, ngô, lạc, bí xanh… chưa đạt theo kế hoạch đề ra. Những trận mưa vừa qua một mặt bổ sung nước cho những diện tích đã gieo trồng, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi để người dân xuống giống cây trồng. Hiện nay phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn người dân tranh thủ thời tiết dịu mát triển khai gieo trồng theo kế hoạch đề ra từ đầu vụ.

Đối với "vựa lạc" xã Na Son (huyện Điện Biên Đông), thời điểm xuống giống gặp thời tiết khô hạn, hạt giống nảy mầm kém, cây lạc phát triển chậm. Đến nay, diện tích cây lạc đã gieo trồng được trên 23ha, đạt 50% kế hoạch đề ra. Những trận mưa rào vừa qua tạo điều kiện cho cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

Ông Lò Văn Dinh ở bản Na Lanh, xã Na Son cho biết: “Đang lo hạn hán thì có mưa. Những trận mưa rào tuy ngắn song đã kịp thời cung cấp nước làm tăng độ ẩm cho đất, giúp cây lạc phát triển. Người dân chúng tôi thở phào nhẹ nhõm!”.

Theo các cơ quan chuyên môn, những trận mưa rào vừa qua tuy lượng mưa không đủ lớn để cung cấp nước cho các hồ chứa nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng đối với sản xuất. Mưa làm dịu mát không khí, chuyển hóa lượng đạm tự nhiên cho cây trồng, bổ sung lượng nước tưới ẩm cần thiết cho đất.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top