Ðảm bảo dự trữ hàng hóa mùa mưa bão

08:50 - Thứ Sáu, 14/07/2023 Lượt xem: 3651 In bài viết

ĐBP - Mùa mưa bão năm nay, tỉnh ta đã chủ động xây dựng, triển khai phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), không để xảy ra tình trạng khan hiếm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Ðội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) kiểm tra, giám sát hoạt động bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn huyện Mường Chà.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 3 siêu thị đạt tiêu chuẩn hạng III, 14 cơ sở hoạt động theo mô hình siêu thị và 34 chợ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ðây là nơi tập trung, kênh phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm chủ yếu phục vụ đời sống người dân trên địa bàn tỉnh. Nguồn hàng khai thác chủ yếu từ các tỉnh: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc... Bên cạnh việc phân phối hàng hóa cho các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại còn hoạt động phân phối hàng hóa tới các đại lý, các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn bằng xe bán hàng lưu động.

Hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển với hệ thống siêu thị, cửa hàng bách hóa tiện lợi tại TP. Ðiện Biên Phủ và dọc tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, trung tâm thị trấn ở các huyện. Nguồn hàng ổn định, giá cả cạnh tranh là những điều kiện thuận lợi cho việc dự trữ, phân phối hàng hóa phục vụ công tác PCTT&TKCN đủ về số lượng, đáp ứng kịp thời khi có sự cố thiên tai xảy ra. Ðể đảm bảo nguồn hàng dự trữ, ngay trước mùa mưa lũ, Sở Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng phân phối cung ứng hàng hóa xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa vừa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thời điểm hiện tại, vừa đảm bảo cung ứng kịp thời cho Nhân dân khi có sự cố thiên tai xảy ra. Ðồng thời, phối hợp với các địa phương rà soát những địa bàn xung yếu, có nguy cơ cao bị chia cắt, ngập úng nặng khi mưa lũ xảy ra để thực hiện tốt kế hoạch dự trữ tại chỗ và xây dựng phương án cung ứng hàng hóa.

Nhờ chủ động các giải pháp, hiện nay các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã chuẩn bị, dự trữ đủ 3 nhóm hàng cơ bản (lương thực, thực phẩm và xăng dầu). Ngoài ra, các mặt hàng khác như: Vật liệu xây dựng, tôn lợp, đinh vít, dây thép cũng được các doanh nghiệp và hệ thống cửa hàng vật liệu xây dựng ở các huyện, thành phố duy trì số lượng, cung ứng đầy đủ đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân. Trong đó, các doanh nghiệp chủ động phân nhỏ lượng hàng dự trữ ở các kho khác nhau; gia cố đảm bảo an toàn, chống ngập lụt, chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị vận chuyển trong trường hợp lũ lụt xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Kiện toàn tổ chức, củng cố, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban chỉ đạo của đơn vị mình, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Ðơn cử như Công ty Ðiện lực Ðiện Biên và các nhà máy thủy điện đã tiến hành kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tại đơn vị, xây dựng phương án phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai trong quá trình vận hành; tổ chức kiểm tra các đường dây tải điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định trong mùa mưa lũ. Còn các công ty kinh doanh xăng dầu cũng xây dựng kế hoạch khai thác, dự trữ đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu xăng dầu của các địa phương bị thiên tai, đặc biệt là địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng có khả năng bị chia cắt; đảm bảo điều tiết, cung ứng xăng dầu cho các vùng bị thiên tai, dịch bệnh ngay trong điều kiện thời tiết bất lợi, giao thông chia cắt, không có điện.

Ðến nay, các doanh nghiệp, siêu thị đã dự trữ hàng hóa trị giá khoảng 37 tỷ đồng. Các mặt hàng thiết yếu như: Gạo (trị giá 5,6 tỷ đồng), các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác (2,5 tỷ đồng), xăng E5 (8,4 tỷ đồng)... Với sự chủ động của các cấp, ngành và các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng, đại lý, các loại hàng hóa thiết yếu được đảm bảo cung ứng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, PCTT&TKCN trong mùa mưa bão năm nay.

Bài, ảnh: Ðức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top