Ðể người dân được làm chủ

09:47 - Thứ Bảy, 12/08/2023 Lượt xem: 10686 In bài viết

ĐBP - Trong khi tỉnh phải điều chỉnh giảm diện tích các dự án trồng mắc ca, nhiều huyện gặp khó với các vườn cây mắc ca hiện có, thì mới đây Tuần Giáo lại ra quân đồng loạt trồng gần 1.000ha mắc ca. Có người cho rằng đây là bước đi mạo hiểm, nhưng Tuần Giáo có cơ sở vững chắc để triển khai, đó là quyết tâm, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo huyện, sự tin tưởng, ủng hộ, đồng thuận của người dân và rất quan trọng là thỏa thuận hợp tác, cam kết bao tiêu sản phẩm lâu dài của doanh nghiệp lớn.

Lãnh đạo huyện Tuần Giáo ra quân tuyên truyền, trồng cây mắc ca tại bản Lói, xã Quài Tở.

Tạo niềm tin cho nhân dân

“Ðể triển khai được dự án, đặc biệt với cây lâu năm như mắc ca, phải tạo được niềm tin, ủng hộ của nhân dân” - ông Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo chia sẻ. Mắc ca là cây đã được trồng thử nghiệm và cho hiệu quả kinh tế, chất lượng cao tại Tuần Giáo. Tuy nhiên, dự án trồng mắc ca trước đó tại địa bàn cũng gặp không ít vướng mắc. Bởi lẽ Công ty không đủ tiềm lực tiếp tục triển khai chăm sóc, mở rộng diện tích như kế hoạch ban đầu và còn nợ tiền chia lợi nhuận, tiền công lao động của người dân. Niềm tin của bà con vào dự án không còn, cũng ảnh hưởng không nhỏ tới các chủ trương, chương trình phát triển kinh tế khác của huyện. Làm thế nào để gây dựng lại niềm tin trong nhân dân là điều các đồng chí lãnh đạo huyện Tuần Giáo trăn trở.

Tuy nhiên xác định mắc ca là cây trồng phù hợp, giá trị kinh tế cao, huyện vẫn kiên trì với mục tiêu này. Ông Lê Xuân Cảnh nhận định: “Thị trường quả mắc ca rộng, nhu cầu lớn và tiếp tục tăng, nguồn cung mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu thế giới. Hơn nữa không phải ở đâu cũng trồng được loại cây này. Trong khi, mắc ca Tuần Giáo có năng suất, chất lượng tốt, không thể lãng phí tiềm năng phát triển, lựa chọn không đi theo đại trà mới thắng”.

Với tầm nhìn đó, Tuần Giáo vừa nâng cao niềm tin trong Nhân dân từ việc triển khai các mô hình kinh tế khác, phục hồi và nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây hiện có, đặc biệt là cây ăn quả, vừa tìm hướng đi bền vững cho mắc ca. Lãnh đạo huyện lặn lội nhiều tháng đi ngoại tỉnh để kết nối với doanh nghiệp. Sau nhiều lần lỡ hẹn, ngày 29/6, tại Hà Nội các đồng chí lãnh đạo huyện Tuần Giáo đã thỏa thuận thành công, ký biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Tập đoàn TH liên quan đến trồng mắc ca. Theo đó, UBND huyện cam kết tạo mọi điều kiện theo quy định để Tập đoàn và các đơn vị thành viên triển khai thực hiện các dự án trồng mắc ca trên địa bàn. Ðổi lại Tập đoàn TH cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả mắc ca trong các dự án đó, với đơn giá theo giá thị trường Úc, trong 50 năm. Ðến ngày 10/7, UBND tỉnh ban hành văn bản quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Trồng thâm canh cây mắc ca tại huyện Tuần Giáo với quy mô khoảng 11.700ha, đối với Công ty Cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Ðiện Biên (đơn vị thành viên của Tập đoàn TH). Thông tin ấy càng củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Ðoàn viên thanh niên Công an huyện Tuần Giáo giúp người dân xã Pú Xi đào hố trồng cây mắc ca. Ảnh: C.T.V

Bắt tay ngay vào việc

Ngay khi có cơ chế, Tuần Giáo bắt tay luôn vào triển khai dự án. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, lãnh đạo, cán bộ chuyên môn xuống trực tiếp địa bàn, phổ biến rõ ràng và khẳng định với người dân về giá trị quả mắc ca và các cam kết bao tiêu sản phẩm. Dự án liên kết trồng, phát triển cây mắc ca được hình thành, đơn vị chủ trì chuỗi là Công ty cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Ðiện Biên; đơn vị quản lý Nhà nước là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp được huyện giao chủ quản, theo dõi chương trình, nắm giữ nguồn vốn Nhà nước để đầu tư sao cho hiệu quả. Cùng với đó là các nhà khoa học, nhà quản lý của các bên.

Thấy được những nỗ lực ấy, 2.500 hộ dân của 18 xã trên địa bàn đăng ký trồng gần 1.000ha cây mắc ca trong năm 2023. Từ ngày 16/7, dự án bắt đầu cấp phát phân bón, cây giống cho các xã, tổ hợp tác. Tại xã Pú Xi xa xôi, khó khăn nhất huyện, đợt này cũng có 24 hộ đăng ký trồng 2.400 cây. Ông Lò Văn Thang, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trước đây trên địa bàn chưa từng trồng mắc ca. Người dân trong xã vẫn canh tác manh mún, lạc hậu, quen với ngô, sắn, lúa nương. Khi phổ biến chủ trương, các hộ cũng băn khoăn liệu mắc ca có hợp với mảnh đất này. Hơn nữa đây lại là cây lâu năm, sợ trồng mắc ca rồi không có đất trồng ngô, lúa để đáp ứng cuộc sống. Tuy nhiên sau nhiều lần trò chuyện, chia sẻ, nhiều hộ dân đã tự xuống các xã vùng thấp trồng thành công mắc ca để tìm hiểu. Sau đó, quyết định đăng ký mỗi hộ 100 gốc. Các hộ tham gia rải rác thuộc 8 bản khác nhau và hầu hết là hộ nghèo. Mong rằng đây là những người tiên phong để bà con tin tưởng, làm theo”.

Trong các hộ trồng mắc ca đợt này có gia đình anh Hờ A Lử, bản Pú Xi 1. Anh Lử giãi bày: “Trồng mắc ca yêu cầu kỹ thuật cao, từ việc đào hố và khoảng cách giữa các cây. Mảnh nương nhà tôi khoảng 1ha, trồng 100 gốc mắc ca đã gần hết, chỉ còn 2.000 - 3.000m2 để trồng các cây lương thực khác. Vì thế ban đầu cũng suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên mảnh nương này nếu trồng ngô chỉ đủ chăn nuôi gia đình, trồng lúa thì mỗi năm thu khoảng hơn 1 tấn thóc. Cuộc sống trên này khó khăn quá, tôi muốn tìm hướng đi mới nên đã quyết định đăng ký trồng mắc ca. Theo kế hoạch, trung tuần tháng 8, tôi và các hộ trong xã sẽ được nhận cây giống”.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Ðã nhận được sự đồng thuận của Nhân dân, để triển khai thuận lợi và hiệu quả dự án, cả hệ thống chính trị huyện cùng vào cuộc. Ban chỉ đạo huyện thoát nghèo huyện Tuần Giáo đã thành lập 18 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các dự án trồng mắc ca và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn. Huyện cũng thành lập 155 tổ hợp tác tương ứng với các bản, cụm bản tham gia trồng mắc ca. Song song với đó kết nối zalo giữa ban chỉ đạo huyện, xã và 100% tổ hợp tác cùng các thành viên để thông tin kịp thời, hướng dẫn cụ thể. Không chỉ tập huấn trực tiếp, cầm tay chỉ việc mà người dân còn thường xuyên được chỉ dẫn kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc mắc ca thông qua hình ảnh, video chuyển vào nhóm zalo, cổng thông tin điện tử, loa truyền thanh cấp xã...

Mọi việc được triển khai nhanh chóng. Trong tháng hè, Huyện đoàn Tuần Giáo, đoàn thanh niên các xã, cơ quan trên địa bàn đã triển khai nhiều buổi hỗ trợ các hộ gia đình neo người đào hố trồng mắc ca. Ngày 21/7 vừa qua, UBND huyện tổ chức ra quân tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng, chăm sóc mắc ca, làm điểm trồng tại bản Lói, xã Quài Tở. Tiếp đó các xã sau khi nhận phân bón, cây giống đồng loạt ra quân trồng tại địa bàn. Thông qua các hoạt động trên, hơn 1.000 lượt người đã tham gia tuyên truyền, cùng các hộ dân đào hố và trồng cây mắc ca.

Ðợt này Quài Nưa cũng trồng mới 188ha mắc ca tại 12 bản, tương ứng với 12 tổ hợp tác. Ông Lò Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Nưa cho biết: “Thực hiện chủ trương trồng cây mắc ca, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phân công toàn bộ cán bộ, công chức, đoàn thể xã đồng hành với người dân trồng mắc ca; giao cụ thể phụ trách theo bản với các phần việc tuyên truyền, giám sát bón phân và trồng cây, chống thất thoát dự án; đồng thời hướng dẫn người dân trồng đúng kỹ thuật như tập huấn và tài liệu, video chỉ dẫn của huyện. Ðến nay, các hộ đã hoàn thành xuống giống cây, đảm bảo các yêu cầu đề ra”.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gần 1.000ha diện tích nương của người dân đang dần phủ cây mắc ca. Ðây là thành công bước đầu trong việc phát triển, mở rộng diện tích cây lâu năm, góp phần quan trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. “Quan điểm của huyện là phát triển hài hòa, vừa tạo vùng lõi cho doanh nghiệp để doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Nhưng chú trọng tập trung phát triển chủ yếu diện tích liên kết, để người dân được làm chủ. Bởi vậy theo chấp thuận đầu tư của tỉnh, quy mô dự án là trên 11.000ha, tuy nhiên huyện chủ trương phát triển vùng lõi cho doanh nghiệp hơn 2.000ha, còn lại là vùng liên kết (khoảng 80%). Vùng lõi làm nền tảng cho vùng liên kết, để người dân có sinh kế, tăng thu nhập, thay đổi cuộc sống” - ông Lê Xuân Cảnh chia sẻ thêm.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top