Giữ vững ổn định thị trường hàng hóa

14:39 - Thứ Tư, 16/08/2023 Lượt xem: 5107 In bài viết

ĐBP - Theo nhận định của cơ quan chức năng, thời gian gần đây các hành vi vi phạm về gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra theo chiều hướng tăng dù quy mô, tính chất vi phạm không lớn, hàng hóa vi phạm ít. Nhằm ổn định thị trường, đảm bảo cung - cầu, phòng chống gian lận thương mại, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể.

Lực lượng QLTT kiểm tra, kiểm soát gian lận thương mại tại cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không có khu công nghiệp sản xuất, chế biến; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động với quy mô nhỏ, lẻ. Hàng hóa chủ yếu được nhập từ các tỉnh khác về bằng xe khách, xe tải. Do đó, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn vận chuyển nhằm trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng như: Xé lẻ, lợi dụng giờ cao điểm, sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, shipper; giao dịch bằng phương tiện kỹ thuật số, thiết bị viễn thông, ứng dụng mạng xã hội… gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Theo đánh giá của Cục QLTT tỉnh, công tác nắm bắt thông tin, phương thức thủ đoạn của các đối tượng vi phạm hiện nay còn hạn chế; nhất là trên môi trường trực tuyến và mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok). Trong khi đó, địa bàn quản lý rộng, thương nhân phân tán, lực lượng chức năng mỏng (đội QLTT liên huyện, quản lý trên địa bàn 3 - 4 huyện, thị xã chỉ được giao từ 8 - 10 công chức), giao thông đi lại khó khăn nhất là mùa mưa. Ngoài ra, trình độ cán bộ công chức không đồng đều, một số cán bộ yếu về công nghệ thông tin và ứng dụng hệ thống INS vào công tác chuyên môn. Hơn nữa, một bộ phận người tiêu dùng có trình độ nhận thức hạn chế, dễ dãi trong việc mua sắm hàng hóa, ham rẻ là thời cơ cho các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 307 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 171 vụ (chủ yếu là hàng hóa hỏng mốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không niêm yết giá, quyền sở hữu công nghiệp…), thu nộp ngân sách nhà nước trên 520 triệu đồng. Ngoài ra, thanh tra chuyên ngành cũng phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 2 đơn vị, thu nộp ngân sách nhà nước 81 triệu đồng về hành vi sử dụng người tham gia vận chuyển không có giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm; sử dụng người quản lý không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định.

Theo thống kê của lực lượng chức năng, các hành vi vi phạm diễn ra theo chiều hướng tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường đã và đang có những biến động về cung cầu, giá cả, nhất là về xăng dầu. Trong khi đó, thời tiết diễn biến bất thường, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ lụt cao; tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm cũng ảnh hưởng đến cung ứng, lưu thông hàng hoá, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ. Tăng cường phòng, chống gian lận thương mại, Cục QLTT tỉnh đã tổ chức quyết liệt kế hoạch kiểm tra định kỳ, chuyên đề, thanh tra chuyên ngành đã được phê duyệt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Ðồng thời, theo dõi sát tình hình diễn biến cung - cầu hàng hoá, giá cả thị trường. Ðặc biệt là yêu cầu các Ðội QLTT tăng cường trên địa bàn theo từng thời điểm và tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, nguyên, nhiên liệu, y tế phòng chống dịch, sản phẩm nông nghiệp, giá cước vận tải. Nhờ đó, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay được giữ vững ổn định, nguồn hàng hoá đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không có tình trạng đứt, gãy nguồn cung, khan hiếm hàng hoá, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính.

Bài, ảnh: Ðức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top