Phát triển điện mặt trời mái nhà: Kiểm soát để bảo đảm an toàn

15:25 - Thứ Tư, 16/08/2023 Lượt xem: 5189 In bài viết

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà ở nước ta được khuyến khích nhưng phải tuân thủ theo quy hoạch. Căn cứ vào tình hình thực tế từng giai đoạn, lĩnh vực này cần được kiểm soát để bảo đảm an ninh năng lượng, các yếu tố môi trường, xã hội và quan trọng hơn là vì lợi ích chung của đất nước.

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại quận Long Biên.

Khuyến khích lắp đặt tại nhà ở, trụ sở

Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, trụ sở. Theo đó, điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở được khuyến khích phát triển để tự sử dụng, không bán lại cho tổ chức, cá nhân khác.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đặt mục tiêu tới năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Về cơ cấu nguồn điện đến năm 2030, điện mặt trời là 12.836MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu 2.600MW. Theo tính toán của Bộ Công Thương, với quy mô này, chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước lắp mỗi gia đình 1kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về điện mặt trời mái nhà cho cả kỳ quy hoạch.

Trước các ý kiến cho rằng cần mở rộng thêm đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi như khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nêu, quy mô phát triển nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được quy hoạch cấp quốc gia xác định đến năm 2030 nhằm hướng đến mục tiêu quan trọng là bảo đảm cơ cấu nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, bảo đảm vấn đề an ninh hệ thống điện, vận hành an toàn và điều độ của hệ thống điện quốc gia. Do đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương mới chỉ lựa chọn hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp để thực hiện trước theo hình thức tự sản, tự tiêu. Với khu công nghiệp, bệnh viện, trường học..., Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích sau.

Việc chưa đưa ra cơ chế phát triển điện mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học cần được xem xét, tính toán trên cơ sở phát triển các nguồn điện khác trong tổng cơ cấu nguồn điện nhằm khai thác nguồn điện năng lượng tái tạo phân tán, không phải đầu tư nâng cấp lưới điện phân phối và đặc biệt là bảo đảm cho hệ thống điện vận hành an toàn. Những hệ thống điện mặt trời độc lập có trang bị lưu điện và không đấu nối với lưới điện quốc gia thì không bị giới hạn phát triển.

Cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố

Theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, cách tiếp cận trên tương đối an toàn, nhất là sau những gì diễn ra trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh với sự phát triển mang tính chất bùng nổ của điện tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà, đem đến nhiều thành công nhưng cũng có nhiều hệ lụy không mong muốn.

“Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà của Bộ Công Thương là cách thực hiện từng bước, theo lộ trình dần mở rộng. Hơn nữa, không chỉ đơn thuần là các doanh nghiệp tự sản, tự tiêu mà chúng ta phải tính đến cả những khía cạnh khác và không loại trừ khả năng vẫn phải tiếp tục sử dụng các chính sách biểu giá điện hỗ trợ (giá FIT) hợp lý”, PGS.TS Bùi Xuân Hồi nêu.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho biết, mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học… thường có diện tích lớn, có thể lắp đặt từ gần 1MW đến cả chục MW. Việc đầu tư quy mô lớn như vậy cần nhiều vốn, điều kiện an toàn kỹ thuật, phòng, chống cháy nổ, trạm biến áp, kết nối xoay chiều giữa điện tự dùng và điện lưới quốc gia khi không có nắng vào buổi tối... Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến môi trường, chất thải từ tấm quang điện… cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Trên thực tế, các nguồn điện năng lượng tái tạo quy mô lớn đang gặp khó khăn vì sản lượng không lớn, phụ thuộc vào thời tiết, độ ổn định, an toàn của hệ thống truyền tải... Mặt khác, các nhà máy, khu công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao cần nguồn điện chất lượng ổn định, liên tục. Chắc chắn các đơn vị này không thể dùng điện mặt trời mái nhà để sản xuất, trừ khi đầu tư hệ thống lưu điện hiện đại, quy mô lớn.

Việc mở rộng đối tượng như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn, trang trại, nhà kho... được hưởng chính sách hỗ trợ sẽ được nghiên cứu trong các quy định sau này. Trong tương lai, khi hệ thống điện phát triển thêm nhiều nguồn điện chạy nền sẽ có thêm điều kiện để tích hợp nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo mang tính bất định, phụ thuộc vào thời tiết như điện mặt trời mái nhà.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top