Góc nhìn – Tiêu điểm

Chữa “bệnh” chậm giải phóng mặt bằng

10:04 - Thứ Năm, 17/08/2023 Lượt xem: 3709 In bài viết

ĐBP - Ðến nay, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên, trong đó có những dự án trọng điểm đều chậm tiến độ. Các dự án này có chung “điểm nghẽn” là chậm giải phóng mặt bằng (GPMB).

GPMB chậm mang lại nhiều hệ luỵ! Khi một dự án chậm GPMB dễ dẫn đến tăng thêm tổng vốn đầu tư, bởi mỗi thời điểm đầu tư một khác, các khoản chi phí bị tăng theo. Chậm GPMB dẫn đến công trình, dự án chậm tiến độ, chậm đưa vào khai thác sử dụng làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và cả cuộc sống người dân trong vùng dự án. Ðối với đầu tư công, khi dự án dằng dai, kéo dài làm tăng chi phí thi công của nhà thầu, chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ðiều đó sẽ làm mất cơ hội để tạo ra những động lực phát triển của địa phương.

Chậm GPMB còn là sự lãng phí, thất thoát lớn. Khi phải tăng chi phí sẽ dẫn tới tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh, mất sức hút đầu tư, bỏ lỡ những cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.

Giải pháp nào để chữa trị “căn bệnh” mãn tính mang tên chậm GPMB?

Việc đầu tiên là chính sách bồi thường phải sát thực tế và phù hợp với giá chuyển nhượng trên thị trường tại cùng một thời điểm. Song để làm tốt việc này đòi hỏi cán bộ, công chức làm công tác GPMB phải có trình độ chuyên môn cao, am hiểu pháp luật và tinh thần tận tâm phục vụ người dân. Cùng với đó là phải có bản lĩnh, tham mưu cấp thẩm quyền nắm rõ và mạnh dạn giải quyết những phát sinh từ thực tế địa bàn mà quy định của pháp luật chưa bao quát hết một cách hợp lý, hợp tình. Ðồng thời cần kịp thời công khai chính sách bồi thường, giải thích cặn kẽ kết hợp tuyên truyền, vận động để người dân hiểu đầy đủ, rõ ràng, từ đó đồng thuận.

Về phía chính quyền địa phương, cần tôn trọng, đối thoại thẳng thắn, giải quyết nguyện vọng của người dân trong khuôn khổ pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi của người dân.

Ðối với người dân có đất, tài sản thuộc phạm vi GPMB phải nhận thức được rằng: Không phải muốn giá đền bù nào, hay quyền lợi gì là được đáp ứng đầy đủ. Bởi mức giá bồi thường, hỗ trợ đền bù, tái định cư đều được áp dụng theo quy định. Ðiều cốt lõi là tìm được sự đồng thuận để việc GPMB đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, và người dân sớm ổn định cuộc sống còn dự án được triển khai thuận lợi, sớm đưa vào khai thác sử dụng.

GPMB là công việc phức tạp, nhạy cảm, nếu xảy ra sai sót, vi phạm sẽ dẫn đến thất thoát, lãng phí vốn đầu tư và mất lòng tin của nhân dân. Cũng vì vậy mà nhiều cán bộ rất “ngại” công tác GPMB. Thực tế thời gian qua đã tồn tại tâm lý sợ sai, sợ vi phạm của một số cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ GPMB. Tâm lý “an toàn cho bản thân” cũng là lý do công tác GPMB thiếu quyết liệt, chậm tiến độ.

Làm sao để GPMB không còn là “điểm nghẽn” của các công trình, dự án; không còn là rào cản mà phải trở thành động lực cho sự phát triển của địa phương?

Muốn vậy, công tác GPMB phải được triển khai thực hiện được đồng bộ, trách nhiệm, hiệu quả.

Trong thông báo số 105-TB/VPTU, ngày 5/8/2023 về kết luận của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại buổi kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên có nêu rõ: “... phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong quy trình thực hiện công tác GPMB các dự án trọng điểm, các dự án phát triển đô thị, các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn. Lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao làm thước đo để đánh giá cán bộ; làm cơ sở để quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ. Kịp thời thay thế những cán bộ không làm việc, làm việc cầm chừng, đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Mong rằng, ý kiến chỉ đạo này được thực thi nghiêm túc. Bởi vì thực tế, thời gian qua chưa có cán bộ nào bị xử lý vì để chậm GPMB!

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top