Siết chặt hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản

09:05 - Thứ Bảy, 19/08/2023 Lượt xem: 5091 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên có trữ lượng tài nguyên khoáng sản khá phong phú, đặc biệt là vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường. Những năm qua, thực hiện Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã nâng cao hiệu quả quản lý khai thác và sử dụng khoáng sản, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là triển khai các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH Ðầu tư Thương mại Hoàng Anh khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ xã Na Ư (huyện Ðiện Biên).

Do địa hình có nhiều sông, khe suối nhỏ nên tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép của hộ gia đình, cá nhân theo mùa vụ còn diễn ra với quy mô nhỏ, lẻ tại các nhánh sông, suối. Ðể tránh lãng phí nguồn tài nguyên, thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước, bảo vệ môi trường, thời gian qua các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác và sử dụng khoáng sản. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 8 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 919 triệu đồng, nộp vào ngân sách Nhà nước.

Tại huyện Mường Chà, tình trạng khai thác trái phép cát sỏi xảy ra tại địa bàn một số xã như: Mường Tùng, Ma Thì Hồ, Sa Lông. Năm 2022, chính quyền xã Mường Tùng phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý một số trường hợp khai thác cát trái phép tại khu vực bãi ruộng Pá Quai, bản Nậm He. Năm 2023, huyện Mường Chà tiếp tục phát hiện và ngăn chặn 2 vụ khai thác cát trái phép tại 2 xã: Ma Thì Hồ và Sá Tổng, xử lý vi phạm hành chính, nộp ngân sách Nhà nước 10 triệu đồng.

Ông Vũ Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Hiện nay, huyện có 4 giấy phép khai thác khoáng sản đã và đang triển khai thực hiện, trong đó: 2 giấy phép khai thác đá vôi và 2 giấy phép khai thác cát làm VLXD thông thường. Những năm qua, huyện Mường Chà thường xuyên quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản. Thực tế, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra tại một vài điểm nhỏ lẻ tại các khe suối trên địa bàn các xã. Người dân khai thác chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng gia đình.

Huyện Ðiện Biên Ðông có lượng cát mặt tại các lòng sông, khe suối khá lớn. Do đó, trước đây tình trạng khai thác cát trái phép thường xuyên xảy ra tại các xã: Na Son, Mường Luân, Luân Giói và Chiềng Sơ. Vài năm trở lại đây, UBND huyện Ðiện Biên Ðông đã tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Nhờ đó, tình trạng khai thác cát trái phép đã được giải quyết dứt điểm.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Phòng đã thành lập các tổ công tác phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả các điểm trong phạm vi lòng sông, khe suối trên địa bàn. Qua kiểm tra, phát hiện 4 điểm khai thác cát trái phép tại các xã: Mường Luân, Luân Giói và Chiềng Sơ. Phòng đã tham mưu UBND huyện xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 185 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước. Ðồng thời, yêu cầu các đơn vị khai thác trái phép hoàn trả môi trường. Ðến nay, tình trạng khai thác cát trái phép đã được chấn chỉnh. Vừa qua UBND tỉnh đã phê duyệt đấu giá các điểm khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, hiện nay huyện Ðiện Biên Ðông đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để thẩm định các điểm mỏ, cấp phép khai thác, nâng cao hiệu quả quản lý.

Mấy năm gần đây, dọc tuyến sông Mã qua địa bàn xã Mường Luân triển khai xây dựng một số công trình thuỷ điện nhỏ. Quá trình xây dựng, UBND tỉnh cấp phép cho các đơn vị được khai thác tận thu khoáng sản cát, đá để phục vụ thi công công trình. Ðồng thời, yêu cầu UBND huyện Ðiện Biên Ðông, UBND xã Mường Luân có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc khai thác, sử dụng nguồn khoáng sản tận thu trên.

Ông Lò Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Luân cho biết: Cuối năm 2022, khi xã Mường Luân triển khai chiến dịch làm nhà cho hộ nghèo theo nguồn vốn từ Bộ Công an, nhiều hộ gia đình thiếu đá để làm nền nhà đã nhờ đơn vị thi công dự án Thủy điện Mường Luân 1 hỗ trợ. Nắm bắt thông tin trên, UBND xã Mường Luân đã thành lập tổ công tác giám sát từ đầu đến cuối hoạt động hỗ trợ của doanh nghiệp đối với các hộ dân. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy doanh nghiệp đã tuân thủ các quy định, đảm bảo các yêu cầu đề ra.

Ðể nâng cao hiệu quả quản lý khai thác khoáng sản, hoạt động giám sát của HÐND tỉnh, Thường trực HÐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đối với các cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước là một trong những giải pháp quan trọng. Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách (HÐND tỉnh) đã tiến hành giám sát chuyên đề về “Công tác quản lý nhà nước về khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, giai đoạn 2020 - 2022”. Qua giám sát thực tế tại các điểm mỏ tại địa bàn 4 huyện: Tủa Chùa, Mường Ảng, Ðiện Biên và Mường Chà, đoàn giám sát đã phát hiện nhiều hạn chế: Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và sự phối hợp giữa các ngành và địa phương về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản hiệu quả chưa cao, chưa thường xuyên. Công tác tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, xin ý kiến các bộ, ngành có nội dung còn chậm. Một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc trong quá trình sử dụng đất được giao, còn có hiện tượng tập kết nguyên vật liệu sản phẩm ngoài phạm vi mỏ, như: Công ty Cổ phần Ðường bộ II Ðiện Biên lấn chiếm lòng suối để phục vụ hoạt động chế biến, tập kết sản phẩm; Mỏ đá Hoàng Ánh huyện Tủa Chùa lấn chiếm hành lang giao thông để tập kết vật liệu và sản phẩm. Qua giám sát thực tế tại 7 điểm mỏ khai thác đá, cát đều không có bảng niêm yết công bố giá vật liệu theo quy định; có điểm mỏ khai thác vượt công suất theo định mức hàng năm. Tại tất cả điểm mỏ khai thác cát, các doanh nghiệp đều không có bảng thông báo thông tin về tọa độ, diện tích và sơ đồ khai thác, thời gian khai thác, tên, phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác cát sỏi; không có các biện pháp xác định ranh giới khu vực khai thác; để mất mốc (hoặc sử dụng các mốc tạm) các điểm khép góc khu vực khai thác cát, sỏi. Ðoàn giám sát đã có nhiều kiến nghị, đề xuất đối với UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và UBND các huyện để tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, siết chặt công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top