Ưu tiên nguồn vốn phục vụ “tam nông”

09:42 - Thứ Hai, 21/08/2023 Lượt xem: 5503 In bài viết

ĐBP - Khuyến khích, ưu tiên nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn là một trong những chủ trương lớn của Ðảng và Chính phủ. Trên địa bàn tỉnh, các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai, cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh về việc dẫn vốn vào “tam nông”. Từ nguồn vốn vay đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ Agribank Mường Ảng hỗ trợ khách hàng giao dịch vay tiền. Ảnh: Nhật Phương

Tại tỉnh Ðiện Biên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là đơn vị đóng vai trò chủ lực khuyến khích cho vay “tam nông”. Những năm gần đây, Agribank dành tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực “tam nông” khoảng trên 50% tổng dư nợ; tích cực hỗ trợ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê của Agribank Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên, đến hết 31/7/2023, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực “tam nông” đạt 3.786,393 tỷ đồng, chiếm 53% tổng dư nợ, với tổng số 14.932 khách hàng. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, hoạt động dịch vụ nông nghiệp, phát triển sản phẩm nông sản; lâm nghiệp và thủy sản.

Năm 2008, tận dụng lợi thế đất đai, gia đình ông Lò Văn Oai (bản Hoong Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Ðiện Biên) khởi nghiệp làm kinh tế với mô hình VAC gồm: 1.000m2 ao cá; 1,4ha rừng sản xuất; 20 gốc bưởi Diễn và nuôi gia cầm. Sau gần 10 năm xây dựng, kiến thiết, mô hình cho hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương. Năm 2017, ông Oai đã mạnh dạn vay 250 triệu đồng từ Agribank huyện Ðiện Biên để đầu tư, mở rộng quy mô từ hộ gia đình sang hướng trang trại với 4.000m2 ao cá; 5.000m2 trồng cây ăn quả; 3,3ha rừng sản xuất; làm chuồng trại chăn nuôi đại gia súc. Ðến nay, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Lò Văn Oai cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Theo ông Oai, nhờ nguồn vốn vay từ Agribank ông mới đủ nguồn lực chuyển đổi mô hình kinh tế hộ gia đình sang mô hình trang trại. Từ khi chuyển sang làm trang trại tổng hợp, gia đình ông Oai đã thoát nghèo, đời sống nâng lên, con cháu có điều kiện học tập, phát triển.

Song song với việc tạo điều kiện cho vay đối với những dự án, mô hình kinh tế quy mô hộ gia đình, Agribank Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trong thực hiện các chương trình, đề án về phát triển sản xuất nông nghiệp. Ðơn cử như Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Agribank đã tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn cải tạo vườn tạp, mua cây giống, vật tư nông nghiệp, xây dựng nhà xưởng, đầu tư dây chuyền công nghệ... tham gia các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.

Thực hiện chủ trương phát triển cây cà phê tại huyện Mường Ảng, Agribank Chi nhánh huyện Mường Ảng đã tạo điều kiện cho 1.383 khách hàng vay vốn phát triển vùng trồng, xây dựng nhà xưởng, chế biến sản phẩm cà phê với tổng dư nợ 335,645 tỷ đồng. Agribank đã trở thành điểm tựa quen thuộc, uy tín với các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Bà Bùi Thị Việt Hà, Cơ sở chế biến cà phê Hà Chung, huyện Mường Ảng cho biết: Hàng năm, chúng tôi liên kết, bao tiêu sản phẩm cà phê của 3 - 4 chủ vườn với tổng sản lượng khoảng 4 - 5 tấn cà phê trấu để chế biến cà phê thành phẩm. Sau nhiều năm hoạt động, nghiên cứu, năm 2019 cơ sở đã xây dựng thành công sản phẩm cà phê Hà Chung đạt chuẩn OCOP xếp hạng 3 sao. Ðến năm 2022, cơ sở đã nâng thành công hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao. Trong quá trình hoạt động, cơ sở luôn có sự đồng hành của Agribank chi nhánh huyện Mường Ảng. Khi cơ sở có nhu cầu vay vốn, phía ngân hàng luôn tạo điều kiện trong tất cả các khâu từ công tác thẩm định, xét duyệt hồ sơ đến giải ngân.

Hiện nay, Agribank Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên đang bám sát các chủ trương lớn của tỉnh về phát triển nông nghiệp như: Phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả chất lượng cao; các dự án trồng cây mắc ca; phát triển cây dược liệu dưới tán rừng... để tổ chức triển khai các chương trình, gói tín dụng giúp người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn, góp phần thực hiện hiệu quả các dự án.

Hiệu quả của việc ưu tiên dẫn nguồn vốn “tam nông” đã góp phần đắc lực trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Sự hỗ trợ về nguồn vốn từ hệ thống Agribank Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên đã góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo thống kê, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đều phát sinh dư nợ tại các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh với tổng dư nợ hàng trăm tỷ đồng. Ðể bảo đảm cung ứng kịp thời nguồn vốn, dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng, người dân, doanh nghiệp, Agribank đã chủ động nghiên cứu, triển khai nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Theo đó, Agribank Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên đã ký thỏa thuận với các tổ chức: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ; công đoàn các cơ quan, đơn vị... để phát triển các tổ vay vốn; triển khai ngân hàng lưu động bằng ô tô chuyên dụng đưa vốn và nhiều dịch vụ ngân hàng tiện ích phục vụ người dân, nhất là ở vùng cao, vùng xa, có điều kiện phát triển sản xuất, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Ðể dòng vốn tín dụng phục vụ “tam nông” tiếp tục được khơi thông, thời gian tới, Agribank Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên tăng cường các biện pháp huy động vốn, mở rộng lĩnh vực cho vay, chú trọng mở rộng đối tượng cho vay. Ðồng thời, duy trì mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương để phát triển thị trường, thị phần cho vay hộ sản xuất và cá nhân, cho vay theo thỏa thuận, cho vay theo tổ và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top