Phát triển cây ăn quả tập trung

09:00 - Thứ Ba, 22/08/2023 Lượt xem: 5547 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây huyện Ðiện Biên triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả tập trung; chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị, từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả theo hướng hàng hóa. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho người dân; từng bước đưa huyện Ðiện Biên trở thành một trong những vùng sản xuất cây ăn quả trọng điểm của tỉnh.

Người dân xã Thanh Xương chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng thanh long. Ảnh: Thu Phương

Ðể phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, huyện Ðiện Biên quy hoạch thành từng vùng sản xuất; chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ liên kết phát triển theo chuỗi giá trị, bao tiêu sản phẩm... Vì vậy việc phát triển cây ăn quả trong thời gian qua trên địa bàn huyện đã có bước phát triển tích cực. Một số xã đã và đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn quả, phát triển một số vùng cây ăn quả tập trung cho năng suất cao, bước đầu hình thành một số liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả.

Gia đình ông Nguyễn Văn Cường, xã Noong Luống được sự khuyến khích và hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương đã tập trung cải tạo vườn tạp để phát triển mô hình trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam trên diện tích khoảng 4.000m2. Triển khai mô hình, ông Cường được hỗ trợ một phần cây giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng cây.

Ông Cường cho biết: Thời gian đầu chuyển đổi sang trồng cây ăn quả gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chậm. Song tôi được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cán bộ kỹ thuật, đồng thời tôi tích cực học tập những mô hình đã thành công trong và ngoài địa bàn. Ðến nay mô hình cây ăn quả của gia đình đã mang lại thu nhập hàng năm từ 60 - 70 triệu đồng. Ðể nâng cao chất lượng, hiện nay tôi chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy trình VietGAP.

Hiện nay, toàn xã Noong Luống có khoảng 40ha cây ăn quả với gần 100 hộ tham gia, chủ yếu là bưởi, cam, thanh long ruột đỏ... Nhận thấy cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa bàn, những năm qua xã Noong Luống đã khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Xã đã rà soát, xây dựng quy hoạch vùng cây ăn quả cụ thể theo từng giai đoạn, đảm bảo phát huy tốt tiềm năng, lợi thế. Ðồng thời, đưa nội dung phát triển cây ăn quả vào Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 để tập trung lãnh đạo thực hiện; phấn đấu mỗi năm tăng 5 - 10ha cây ăn quả.

Những năm qua, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã tích cực tham gia các dự án trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó trên địa bàn huyện Ðiện Biên đang từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Ðến nay, toàn huyện đã phát triển gần 1.200ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là: Nhãn, vải, bưởi, cam, mít, thanh long, vú sữa… Trong đó có khoảng 200ha trồng tập trung theo quy mô trang trại, hiệu quả kinh tế cao như bưởi da xanh, bưởi diễn tại các xã Noong Luống, Thanh Xương, Thanh Chăn, Thanh Yên với diện tích trên 60ha; vú sữa tại xã Thanh Hưng, Thanh Luông với diện tích gần 30ha; thanh long trồng tại Thanh Xương, Noong Luống… Cùng với đó, huyện đang triển khai phát triển vùng trồng cây ăn quả chủ lực, đặc trưng như: Mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh tại các xã lòng chảo lên hơn 80ha; mở rộng diện tích vùng trồng dứa tập trung tại xã Mường Nhà lên trên 70ha; mở rộng diện tích trồng cây bơ tại xã Núa Ngam.

Huyện Ðiện Biên phấn đấu đến năm 2025 có trên 1.300ha cây ăn quả, trong đó xây dựng trên 500ha theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với các loại chủ yếu là bưởi da xanh, mít, nhãn, dứa, bơ, hồng xiêm, vú sữa. Ðịa bàn tập trung tại các xã: Thanh Nưa, Thanh Chăn, Thanh Yên, Núa Ngam, Hẹ Muông, Thanh Hưng, Thanh Luông. Ðến năm 2025, huyện có 10% diện tích cây ăn quả tập trung được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận VietGAP, hữu cơ, có thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Ðể đạt được mục tiêu, thời gian qua huyện Ðiện Biên tích cực triển khai hoạt động nghiên cứu, định hướng vùng trồng, chuyên canh, sử dụng các giống cây chất lượng, giá trị cao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư, đặc biệt là liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.

Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top