ĐBP - Việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái như đất, nước, cảnh quan thiên nhiên... tại khu vực khai thác khoáng sản về trạng thái môi trường ban đầu, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn môi trường, phục vụ các mục đích có lợi cho con người. Ðây là trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp sau khi hết hạn khai thác mỏ khoáng sản. Tuy nhiên, hiện nay việc cải tạo, phục hồi môi trường tại các mỏ khai thác khoáng sản đã đóng cửa mỏ vẫn chưa được các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, thực hiện.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bất cập trong việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản, gồm: Các đơn vị, doanh nghiệp khai thác chưa quan tâm, thiếu trách nhiệm và nguồn quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản quá ít, không đủ thực hiện các đề án, dự án phục hồi môi trường.
Ðối với trách nhiệm của doanh nghiệp, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang xảy ra tình trạng khi đóng cửa điểm mỏ cũng là thời điểm doanh nghiệp tuyên bố phá sản, không đủ năng lực thực hiện việc phục hồi môi trường. Về kinh phí, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các dự án khai thác khoáng sản phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Số tiền ký quỹ phải được tính toán bảo đảm đủ kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường căn cứ vào các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tổng số tiền ký quỹ bằng tổng kinh phí của các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường. Tuy nhiên, hiện nay mức ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường thấp (chỉ từ 1 - 3% tổng mức đầu tư) nên việc tổ chức cải tạo, phục hồi môi trường gặp nhiều khó khăn.
Sau thời gian dài khai thác quặng vàng tại bản Háng Trợ, xã Phì Nhừ (huyện Ðiện Biên Ðông), khoảng năm 2017, Công ty Cổ phần Công nghiệp Molybden Ðiện Biên đã rời đi để lại cả khu vực đồi, núi rộng lớn tan hoang. Nhiều hầm hố đào bới xiên ngang, xiên dọc, những hố sâu, rộng khắp nơi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, hệ thống thực vật gần như bị phá hủy, đất đai bị cày xới, xói mòn, sụt lở nham nhở. Nguồn nước cũng bị ô nhiễm.
Trước tình trạng đó, tháng 2/2020, UBND tỉnh Ðiện Biên đã có Quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản tại điểm mỏ vàng bản Háng Trợ. Theo quy định, Công ty Cổ phần Công nghiệp Molybden Ðiện Biên phải có trách nhiệm thực hiện xong các công việc trong đề án, đồng thời phải báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác cải tạo, phục hồi môi trường khu vực mỏ để phối hợp tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện làm cơ sở ban hành quyết định đóng cửa mỏ theo quy định. Tuy nhiên, thời điểm đó, Công ty đã giải thể, phá sản không có năng lực để thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường. Trong khi đó, mức ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường do Công ty đóng nộp 465 triệu đồng không thể đủ để thực hiện cải tạo môi trường trên diện tích hơn 39ha tại mỏ vàng Phì Nhừ. Do đó, trong quyết định phê duyệt Ðề án đóng cửa mỏ, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho UBND huyện Ðiện Biên Ðông là chủ đầu tư thực hiện Ðề án đóng cửa mỏ khoáng sản tại điểm mỏ vàng bản Háng Trợ. Tổng mức đầu tư gần 2,5 tỷ đồng, trong đó có 465,1 triệu đồng tiền ký quỹ phục hồi môi trường và trên 1,9 tỷ đồng là ngân sách địa phương hàng năm của tỉnh. Huyện Ðiện Biên Ðông đã tiến hành thực hiện một số hạng mục chính: San gạt mặt bằng khu vực đáy moong; tạo hệ thống rãnh thoát nước chống ùn ứ; chèn cửa lò bằng tường đá hộc và xi măng; cậy, gỡ đá treo bám vách ta luy; xây tường chắn chân đáy moong khai thác; nạo vét, khơi thông dòng chảy liền kề hang Háng Trợ; san gạt, cắt tầng trên các sườn dốc; san gạt khu vực vách trước và các tuyến đường vào mỏ, nội mỏ. Sau khi cải tạo mặt bằng, huyện Ðiện Biên Ðông đã trồng 38ha cây thông vĩ để cải tạo, phục hồi môi trường. Ðến nay, theo đánh giá của UBND xã Phì Nhừ, diện tích cây thông vĩ phát triển khá tốt. Môi trường tại khu vực mỏ đang từng bước phục hồi.
Tình trạng khai thác xong bỏ mặc hoặc chậm thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường cũng đang xảy ra tại các điểm mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Ðơn cử như điểm mỏ khai thác cát tại bản Pom Lót, xã Pom Lót và đội 18, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngọc Dũng làm chủ đầu tư đã đóng cửa mỏ từ năm 2021. Tuy nhiên, đến nay việc cải tạo, phục hồi môi trường vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện. Tại khu vực này vẫn còn nguyên hiện trạng sau khai thác, tạo thành vũng, hủm sâu gây nguy cơ sạt lở, xâm lấn vào đất trồng màu của người dân; ảnh hưởng đến dòng chảy sông Nậm Rốm. Tương tự, mỏ đá Mường Ảng 4 (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng) do Công ty Cổ phần Cao nguyên Hà Giang đã bị thu hồi giấy phép khai thác sau nhiều lần để xảy ra mất an toàn khai thác. Song đến nay, Công ty chưa nộp hồ sơ đề án đóng cửa mỏ; việc cải tạo, phục hồi môi trường vẫn chưa được thực hiện. Ðể đảm bảo an toàn, UBND huyện Mường Ảng đã chỉ đạo các lực lượng cạy, gỡ đá treo bám vách ta luy, đồng thời trồng thêm cây ở dưới chân khu vực khai thác mỏ.
Ðể giải quyết triệt để tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp trốn tránh hoặc cố tình chậm trễ việc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tổ chức rà soát, kiểm tra các khu vực mỏ đã thực hiện đóng cửa mỏ để có biện pháp xử lý theo quy định; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với chính quyền địa phương khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trên khu vực đã thực hiện đóng cửa mỏ. Ðồng thời, chỉ đạo các đơn vị hoạt động khoáng sản thực hiện nghĩa vụ nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đúng, đủ và kịp thời. Nâng cao chất lượng tham mưu thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản theo hướng tăng mức ký quỹ để đảm bảo trách nhiệm thực hiện. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những đơn vị, tổ chức làm không đúng, không đầy đủ, làm ẩu trong quá trình thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường.