Phát huy hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất

09:49 - Thứ Sáu, 25/08/2023 Lượt xem: 5298 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, các huyện đã triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Nhiều dự án đã cho hiệu quả kinh tế cao và mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ đó, thu hút được nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia; tạo điều kiện cho người nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.

Anh Ly A Hồ, bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng bí đao ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Nhật Phương

Giai đoạn 2019 - 2022, toàn tỉnh đã triển khai 79 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có 47 dự án liên kết trong lĩnh vực trồng trọt và 32 dự án liên kết về lĩnh vực chăn nuôi thuỷ sản. Các dự án đã hỗ trợ cây giống để triển khai trồng mới 1.100ha cây ăn quả, cây dược liệu, rau màu; hỗ trợ 64.000 con giống gia súc, gia cầm, thủy sản các loại. Bên cạnh đó, các dự án cũng hỗ trợ thêm về bao bì, nhãn mác, kiểm định chất lượng sản phẩm; hỗ trợ về nhà xưởng; công nghệ - kỹ thuật sản xuất... Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp người sản xuất nông nghiệp tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Gia đình anh Ly A Hồ, bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) có hơn 2ha đất nương, trước đây chỉ canh tác các loại cây trồng truyền thống như: Lúa nương, ngô, sắn. Sau nhiều vụ, đất bạc màu, năng suất, chất lượng cây trồng ngày càng thấp. Năm 2022, UBND xã Ma Thì Hồ đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương. Anh Ly A Hồ đã đăng ký tham gia chuyển đổi 6.000m2 đất nương sang trồng bí đao. Tham gia dự án liên kết, anh Hồ được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện giới thiệu đi tham quan mô hình trồng bí đao tại thị trấn Mường Chà; được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai mô hình trồng bí đao trên diện tích đất trồng ngô.

Anh Ly A Hồ cho biết: Ðến nay, tôi đã đầu tư vào mô hình khoảng 100 triệu đồng để làm giàn, lắp đặt hệ thống tưới nước thông minh. Với sự hỗ trợ tích cực của cán bộ nông nghiệp huyện cây bí phát triển nhanh và ít sâu bệnh. Ðồng thời, các cơ quan cũng kết nối với doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Giống bí đao này có thể cho thu hoạch tới 10 lứa nếu chăm sóc tốt; với điều kiện chăm sóc vừa đủ như nhà tôi thì tối thiểu cũng thu được 6 lứa. Dự tính với diện tích 6.000m2 sẽ đạt 30 tấn quả, giá bán khoảng 8.000 đồng/kg; trừ chi phí, lợi nhuận ước đạt 100 triệu đồng.

Háng Lìa (huyện Ðiện Biên Ðông) là xã vùng cao, thuần nông, tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu, sản xuất cây trồng, vật nuôi nhỏ lẻ, manh mún, gieo trồng theo kiểu tự phát, việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Xuất phát từ thực tế đó và qua nghiên cứu thử nghiệm, năm 2019 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh triển khai hỗ trợ mô hình trồng cây lê vàng tại xã Háng Lìa. Quy mô dự án 1ha với 5 hộ dân tham gia. Người dân được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lê. Sau 3 năm thực hiện dự án, các vườn lê đều sinh trưởng, phát triển tốt; tỷ lệ cây sống trên 95%; nhiều diện tích đã cho thu hoạch với năng suất, sản lượng khá cao.

Ông Vàng A Nếnh, Phó Chủ tịch UBND xã Háng Lìa cho biết: Qua mô hình lê vàng triển khai tại 2 bản: Trống Dình và Háng Lìa B. Cây lê vàng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Thời gian tới, UBND xã Háng Lìa sẽ lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển nông nghiệp để nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích trồng lê vàng trên địa bàn. Ðồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã để tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, có như vậy dự án mới đạt hiệu quả cao và bền vững.

Mô hình trồng bí đao ở Mường Chà hay lê vàng ở Ðiện Biên Ðông chỉ là 2 trong số nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao trong thời gian qua. Năm 2023, song song với việc triển khai các dự án phát triển sản xuất theo nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh, các địa phương đang tập trung thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bằng nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo kế hoạch vốn, năm nay tổng nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia được giao cho tỉnh quản lý, thực hiện là 969,313 tỷ đồng. Toàn tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Ðây là cơ hội để người dân mở ra hướng phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhật Phương
Bình luận
Back To Top