ĐBP - Những năm gần đây, quế là loại cây được nhiều nông dân trong tỉnh nói chung, huyện Nậm Pồ nói riêng lựa chọn trồng. Tuy nhiên, việc “ồ ạt” mở rộng diện tích trồng quế sẽ khiến người dân đứng trước nguy cơ gặp nhiều rủi ro. Ðể loại cây trồng nhiều tiềm năng này phát triển bền vững, thời gian qua huyện Nậm Pồ đã tích cực vào cuộc để xây dựng một “hành lang” với mục tiêu đưa quế trở thành cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo.
Nhà nhà trồng quế
Thời điểm này, đến nhiều xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ, hình ảnh dễ thấy nhất là những gương mặt hồ hởi của bà con đang trong quá trình trồng, chăm sóc quế. Tại bản Nậm Nhừ 1, xã Nậm Nhừ, bà con đang tất bật đi xe máy về các điểm tập kết để nhận phân bón hỗ trợ. Ông Vàng A Thính, Chủ tịch UBND xã Nậm Nhừ cho biết: Ðang là mùa mưa, rất thích hợp trồng quế nên chính quyền địa phương đang tích cực tiếp nhận giống, phân bón để phân bổ cho bà con kịp thời vụ. Theo kế hoạch, dự kiến năm 2023 toàn xã sẽ trồng mới 90ha quế.
Cùng ông Thính đi thăm một phần diện tích quế mới được trồng xen canh với lúa nương, đa số cây đều xanh lá, bắt đầu bén rễ. “Mặc dù cây trồng này mới phát triển ở xã, diện tích còn ít nhưng vì hợp thổ nhưỡng nên được bà con tích cực đón nhận. Số lượng đăng ký trồng lớn, song để đảm bảo việc phát triển có quy hoạch, chúng tôi phải tính toán, phân bổ cho hợp lý. Ðồng thời theo sát bà con để đảm bảo không ồ ạt phát triển tự phát” - ông Thính cho biết.
Mặc dù không nằm trong danh sách phân bổ vốn các chương trình mục tiêu để hỗ trợ trồng quế nhưng thời điểm này nhiều người dân xã Vàng Ðán cũng tấp nập nhận cây giống và trồng.
Ông Chào A Páo, Chủ tịch UBND xã Vàng Ðán cho biết: Cây giống do bà con tự bỏ tiền mua, nhưng đều nằm trong tính toán của chính quyền địa phương (dự kiến khoảng gần 30ha). Ngoài ra, xã Vàng Ðán hiện có trên 70ha quế tuổi đời từ 3 - 6 năm, đang sinh trưởng, phát triển tốt. Người dân rất phấn khởi nên tiếp tục muốn mở rộng diện tích. Tuy nhiên để đảm bảo không vỡ quy hoạch, chúng tôi đã tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân không nóng vội, tránh tình trạng trồng ồ ạt sẽ dẫn đến nhiều rủi ro khó lường”.
Một trong những người đầu tiên đưa cây quế về xã Vàng Ðán, đồng thời hiện đang nắm giữ diện tích lớn nhất, nhì trong xã là ông Hạng A Tráng, bản Nộc Cốc 1. Tổng diện tích quế của gia đình ông Tráng khoảng 4ha, đa phần từ 5 - 6 năm tuổi. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, vừa qua ông Tráng đã kết nối được với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm liên quan đến cây quế từ huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) - nơi được xem là “thủ phủ” của loài cây này. Ông Tráng được cung ứng giống cây trồng mới đảm bảo chất lượng. Ðồng thời, thực hiện các cam kết đầu tư sản xuất, thu mua sản phẩm. Dự kiến, tới đây tại một số khu vực trồng quế tập trung nhiều như gia đình ông Tráng sẽ được đầu tư xây dựng một số xưởng sơ chế, chuyển giao kỹ thuật để tận dụng nguồn nguyên liệu dư thừa trong quá trình chăm sóc, cắt tỉa cành, giảm mật độ cây theo tiêu chuẩn.
Xác định hướng đi bền vững
Qua đánh giá, rà soát của cơ quan chuyên môn huyện Nậm Pồ thì hiện nay tổng diện tích quế trên địa bàn là gần 290ha, chủ yếu trồng tự phát. Trong khi đó, tổng diện tích tự nhiên của địa phương là hơn 149.000ha; diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng, đất nương luân canh trên 63.000ha. Cùng với điều kiện thổ nhưỡng phong phú, nguồn lao động dồi dào cho thấy nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển quế. Với không ít bài học kinh nghiệm từ thất bại của các loại cây trồng được triển khai ở nhiều địa phương trước đây, thời gian qua huyện Nậm Pồ đã tích cực vào cuộc, nhằm tạo dựng một hành lang tốt nhất để thúc đẩy cây quế phát triển theo hướng bền vững. Từ việc tổng kiểm tra, thống kê, rà soát hiện trạng đến các cuộc hội thảo, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với chính quyền, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp phát triển mạnh về quế của tỉnh Yên Bái. Trên cơ sở đó, Huyện ủy Nậm Pồ đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, mục tiêu đến năm 2025, hình thành vùng trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa tại 12 xã (Nà Hỳ, Vàng Ðán, Nà Bủng, Nà Khoa, Nậm Chua, Nậm Nhừ, Nậm Tin, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Khăn, Pa Tần, Na Cô Sa), với tổng diện tích tối thiểu đạt 5.000ha. Tổng vốn thực hiện dự kiến trên 156 tỷ đồng.
Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chúng tôi đã bước đầu kết nối và nhận được sự cam kết đồng hành của một số doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Yên Bái trong việc cung ứng giống đảm bảo chất lượng, liên kết tiêu thụ sản phẩm”.