Nậm Pồ phát triển vùng chuyên canh rau an toàn

09:12 - Thứ Hai, 11/09/2023 Lượt xem: 5770 In bài viết

ĐBP - Sản xuất rau sạch, an toàn là một trong những định hướng trọng điểm của Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Ðiện Biên nhằm hướng đến một nền sản xuất hiện đại, bền vững. Với tiềm năng đất đai và thị trường tiêu thụ, nhiều năm qua huyện Nậm Pồ đã khuyến khích, thúc đẩy xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau sạch, an toàn. Tuy nhiên, việc xây dựng vùng chuyên canh, với các mô hình quy mô còn nhiều rào cản.

Nông dân xã Si Pa Phìn kiểm tra giống rau ngót, chuẩn bị triển khai trồng trong nhà màng.

Tháng 7 vừa qua, nông dân xã Chà Nưa tiến hành cải tạo đất, phủ màng, rải phân bón, căng lưới làm giàn và xuống giống trồng bí xanh. Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Ðảng ủy xã cho biết: Mô hình trồng bí được đưa vào triển khai trồng thử nghiệm đầu tháng 1/2023, với 36 hộ dân tham gia. Tổng diện tích trồng là 3,5ha, chủ yếu tập trung tại các bản: Nà Ín, Cấu, Pa Có và Nà Cang. Vụ đầu bà con đã xuất bán ra thị trường trên 300 tấn, tổng số tiền thu được 1,5 tỷ đồng. Ðây là vụ thứ 2 đưa giống cây này vào trồng và là mô hình sản xuất quy mô, theo hướng an toàn đầu tiên tại xã. Sau khi thấy được giá trị kinh tế, chúng tôi mới bắt đầu mạnh dạn mở rộng quy mô, cho bà con chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém năng suất sang trồng bí xanh. Tính đến cuối tháng 7, tổng diện tích đạt 7ha.

Xã Si Pa Phìn hiện nay cũng đang “bắt tay” triển khai mô hình sản xuất rau an toàn với quy mô trên 10ha. Ðây là mô hình trọng điểm nằm trong kế hoạch của huyện Nậm Pồ nhằm xây dựng nơi đây thành vùng sản xuất, cung ứng rau an toàn cho toàn huyện và các khu vực lân cận. Trước đây, mặc dù có quỹ đất sản xuất lớn, song việc xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn phải đối mặt với không ít khó khăn đặc thù, như: Hạn chế nguồn nước tưới, thời tiết bất thường… Bởi vậy, đến năm 2022, tổng diện tích trồng rau, củ, quả toàn xã mới chỉ đạt 5ha. Ða phần bà con vẫn sản xuất nhỏ lẻ, theo lối truyền thống để phục vụ gia đình, bán lẻ tại các chợ trên địa bàn.

Ông Mùa A Hòa, Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn cho biết: Mô hình sản xuất rau an toàn chúng tôi đưa vào triển khai lần này nằm trong kế hoạch, định hướng của huyện theo hướng tập trung, liên kết thành hợp tác xã. Với việc đầu tư quy mô, bài bản, mô hình kỳ vọng sẽ tháo gỡ được cơ bản những khó khăn trước đó. Cụ thể như: Xây dựng nhà màng, nhà lưới nhằm ngăn chặn sâu bệnh, chống mưa đá để trồng rau, củ, quả theo mùa; hệ thống tưới tự động, xây dựng các khu vực tích trữ chủ động nguồn nước. Các thành viên tham gia mô hình được đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các vùng chuyên canh lớn trong nước (Hà Nội, Vĩnh Phúc…). Dự kiến đến năm 2025, tổng diện tích mô hình sẽ đạt 20ha, cung cấp rau an toàn cho toàn bộ các trường học, nhu cầu người dân trong huyện và các địa bàn lân cận.

Theo thống kê từ cơ quan chuyên môn, tính đến tháng 6/2023, tổng diện tích rau, củ quả toàn huyện Nậm Pồ ước đạt 226,07ha; tổng sản lượng ước đạt trên 3.545 tấn. Trong đó, triển khai có hiệu quả mô hình trồng bí xanh tại các xã: Chà Nưa (3,5ha), Si Pa Phìn (2,6ha); bước đầu triển khai mô hình trồng rau sạch tại xã Si Pa Phìn.

Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ đánh giá: Về cơ bản điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của huyện rất thuận lợi cho sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thị trường tiêu thụ, giao thông đi lại khó khăn, chi phí vận chuyển lớn trong khi phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ các địa phương khác. Mặt khác, một bộ phận nông dân vẫn quen với lối sản xuất cũ, manh mún, nhỏ lẻ nên nhiều năm vẫn chưa xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh.

Nhu cầu của người tiêu dùng về rau sạch ngày càng cao. Ðặc biệt là nguồn cung ổn định cho các bếp ăn tập thể của trường học, nhà hàng trên địa bàn cũng mở ra thị trường tiềm năng và là đích đến cho sản xuất rau an toàn. Bởi vậy, xây dựng và hình thành các vùng chuyên canh là hướng đi huyện Nậm Pồ xác định tập trung trong thời gian tới. Quyết tâm đó thể hiện thông qua việc xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề, với từng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ quy hoạch vùng sản xuất với quy mô khoảng 20ha và xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm rau sạch Si Pa Phìn.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top