Khẩn trương khôi phục sản xuất sau thiên tai

09:03 - Thứ Tư, 13/09/2023 Lượt xem: 4881 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 20 đợt thiên tai bao gồm các loại hình rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Thiên tai đã làm 6 người chết, 2 người bị thương; 1.230,5ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; 1.672 con gia súc, gia cầm bị chết; 14.886m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; nhiều công trình, đường ống, đập dâng, kè bị sạt gãy, hư hỏng... thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 144,4 tỷ đồng. Trong đó mưa lũ gây thiệt hại nặng tại 3 huyện: Ðiện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ.

Nông dân huyện Ðiện Biên chuyển đổi cây trồng mới khôi phục sản xuất trên diện tích bị thiệt hại do mưa lũ. Ảnh: Lan Phương

Trong đợt mưa lũ kéo dài, bản Nậm Hẹ 1, xã Hẹ Muông (huyện Ðiện Biên) có 12ha đất sản xuất nông nghiệp của hơn 50 hộ trong bản bị thiệt hại. Trong đó, có 6 hộ bị mất trắng do suối chuyển dòng lấn vào diện tích đang canh tác. Ðối với diện tích vẫn khắc phục được, người dân chờ sau nước rút làm lại mặt bằng để tiếp tục canh tác.

Ông Lò Văn Ðôi, người dân bản Nậm Hẹ 1 cho biết: Gia đình tôi có 3.000m2 ruộng lúa bị mất trắng. Do những diện tích ruộng đều nằm ven suối Nậm Hẹ, không chỉ lúa bị thiệt hại hoàn toàn mà mặt ruộng gần như trở thành lòng suối, không thể canh tác được nữa.

Theo ông Lò Văn Thoạn, Phó Chủ tịch UBND xã Hẹ Muông: Từ đầu năm đến nay và đặc biệt là đợt mưa lớn kéo dài hồi đầu tháng 8 vừa qua, xã có gần 30ha đất sản xuất nông nghiệp thiệt hại. Xã vận động người dân tập trung khắc phục bằng cách dọn đất đá tràn vào ruộng, dựng lại cây trồng bị đổ, chăm sóc, bón phân, khôi phục lại những diện tích còn có khả năng cứu vãn, bố trí trồng lại các loại cây còn trong khung thời vụ. Ðối với những diện tích bị mất trắng, xã phối hợp với cơ quan chức năng huyện xác minh thiệt hại, tổng hợp để đề nghị hỗ trợ theo đúng quy định.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Ðiện Biên chịu ảnh hưởng 3 đợt thiên tai với mưa to, giông lốc làm thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp ước tính khoảng 1,2 tỷ đồng; thiệt hại 92,97ha lúa; 60,55ha ngô và rau màu các loại; 41 con gia súc, gia cầm bị chết; 240m kênh mương, thủy lợi bị sạt, trôi, hư hỏng, nhiều công trình nước sinh hoạt bị trôi, vỡ, tắc và sạt lở. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã khắc phục hậu quả. Ðôn đốc, hướng dẫn UBND các xã hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại do thiên tai theo quy định. Ðến nay huyện đã thẩm định, phê duyệt 3 phương án hỗ trợ thiên tai xảy ra trên địa bàn các xã: Thanh Yên, Mường Pồn.

Trên địa bàn huyện Nậm Pồ, đợt mưa lũ cuối tháng 8 vừa qua đã gây thiệt hại trực tiếp cho địa phương khoảng 1,2 tỷ đồng. Nặng nề nhất là tại 2 xã: Na Cô Sa và Chà Tở. Cụ thể: Trên 10ha lúa bị hư hỏng (trong đó có khoảng 4ha bị xói lở không thể khắc phục, còn lại thiệt hại từ 30 - 70%); 2.000m2 thủy sản,  khoảng 6.000m2 hoa màu thiệt hại nặng. Mưa lũ cũng làm 1 người chết; 11 nhà dân bị thiệt hại, trong đó có 3 hộ phải di chuyển khẩn cấp; 2 công trình thủy lợi cùng một số công trình giao thông, trạm y tế, trường học bị ảnh hưởng.

Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Ngay sau khi thiệt hại, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, phối hợp cùng chính quyền các địa phương huy động các lực lượng hỗ trợ kịp thời cho người dân; rà soát thiệt hại để hoàn thiện hồ sơ, xây dựng kế hoạch khắc phục trước mắt và lâu dài. Ðối với 3 nhà dân bị sạt lở hoàn toàn, các lực lượng giúp di chuyển đến nơi ở tạm, an toàn, đồng thời huyện bố trí kinh phí hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ. 8 hộ nằm trong diện nguy cơ cao đang được địa phương tìm kiếm mặt bằng, tích cực vận động di chuyển nơi ở. Thực hiện chỉ đạo của huyện, hiện nay chính quyền các xã có thiệt hại về nông nghiệp đã trích nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ người dân tái sản xuất, mua giống cây trồng ngắn ngày (lạc, đậu tương…) để trồng thay thế vào các diện tích sản xuất đã hư hỏng.

Sau khi xảy ra các đợt mưa lũ kéo dài gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, phối hợp các huyện vận động, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục lại số diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại có thể khôi phục; khẩn trương thu hoạch số diện tích hoa màu bị thiệt hại đã đến thời kỳ thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại. Ðối với diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại hoàn toàn không thể khôi phục được thì chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác phù hợp với thời vụ để đảm bảo đáp ứng lương thực, thực phẩm ổn định đời sống, sản xuất cho người dân. Chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy lợi huy động nhân lực, nạo vét bùn đất, lắp lại phai tạm, khơi thông dòng chảy để đảm bảo nước tưới tiêu. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện chỉ đạo phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại về trồng trọt và chăn nuôi do mưa lũ theo quy định hiện hành.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top