Chủ thể chưa quan tâm phát triển sản phẩm OCOP

15:17 - Thứ Tư, 13/09/2023 Lượt xem: 5260 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các doanh nghiệp, HTX có vai trò quan trọng trong phát hiện, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với thị trường. Thế nhưng, thực tế hiện nay, không ít chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của chương trình, thậm chí chưa quan tâm phát triển sản phẩm OCOP của chính mình. Điều đó đã ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị sản phẩm, đặc sản của các địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP gắn phát triển sản phẩm bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến trao đổi việc phát triển sản phẩm với các chủ thể OCOP.

Hiện nay, huyện Mường Chà có 3 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao cấp tỉnh gồm: Dứa Na Sang, bưởi da xanh Kiên Trung và miến dong Hoàng Tấm. Để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Mường Chà đã triển khai nhiều giải pháp, hỗ trợ các chủ thể xây dựng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi các sản phẩm nông nghiệp của địa phương đã xây dựng được thương hiệu và đạt tiêu chuẩn OCOP nhưng vẫn còn những hạn chế. Trong đó, điều kiện, năng lực của các chủ thể khá khiêm tốn, khiến quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm đặc sản của huyện gặp không ít khó khăn.

Ông Trần Đức Cương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà chia sẻ: Trừ sản phẩm dứa Na Sang còn các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Mường Chà đều do các cá nhân, hộ gia đình đứng lên phát triển sản phẩm. Các chủ thể khá nhiệt tình, năng nổ đầu tư sản xuất và tích cực đưa sản phẩm của mình ra thị trường, song quy mô còn khá nhỏ. Hoặc thành lập HTX cũng là anh em, họ hàng chung tay thực hiện và thuê nhân công phát triển sản xuất cũng như quảng bá sản phẩm chứ chưa có tính liên kết giữa các nhà sản xuất. Thực chất các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện chủ yếu quy mô hộ gia đình và hạn chế tiềm lực tài chính, trình độ… khiến khó phát triển, mở rộng quy mô sản xuất.

Với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, sản phẩm chè của Điện Biên ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Trà Phan Nhất chuẩn bị đóng gói chè thành phẩm.

Mường Nhé là địa phương có nhiều sản phẩm đặc trưng có thể xây dựng tiêu chuẩn OCOP. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn huyện mới chỉ có 1 sản phẩm công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao là Cực tây Hà Nhì trà. Việc phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện gặp khó một phần cũng do trình độ, năng lực cũng như sự vào cuộc của các chủ thể còn hạn chế.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình OCOP, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Hầu hết các hộ sản xuất trên địa bàn huyện nhỏ lẻ, manh mún. Các chủ thể chưa thực sự quan tâm đến hình thức của sản phẩm. Kiểu dáng, nhãn mác chưa được chú trọng; thậm chí các yêu cầu về chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc còn chưa đảm bảo… dẫn đến các sản phẩm OCOP của Mường Nhé khó phát triển và lan tỏa rộng rãi trên thị trường.

Điện Biên đã có 56 sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ thương mại, triển lãm. Cùng với việc xây dựng sản phẩm đặc sản địa phương đạt chuẩn OCOP, các địa phương khá chú trọng công tác giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, do những hạn chế của các chủ thể khiến sản phẩm OCOP chưa phát triển bền vững, thiếu sự quảng bá, giới thiệu cũng như xây dựng vùng nguyên liệu… Đa số chủ thể OCOP chưa chủ động xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Mẫu mã, nhãn mác bao bì sản phẩm chưa hoàn thiện, thiếu sự bắt mắt, ấn tượng. Các chủ thể chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm; thiếu chủ động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng… Dù đã được Sở Công Thương thường xuyên gửi thư mời và vận động tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng nhưng số lượng các chủ thể OCOP đăng ký tham gia còn ít.

Dù đã được công nhận sản phẩm OCOP nhưng để tiết kiệm chi phí nên người dân không chú trọng gắn mác sản phẩm OCOP cho dứa Na Sang.

Phân tích về việc tham gia xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu thụ sản phẩm để thu hút người tiêu dùng của các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh, ông Trịnh Huy Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Đối tượng chủ thể của chương trình OCOP kinh tế quy mô nhỏ và rất nhỏ; năng lực tổ chức tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại của các chủ thể OCOP còn yếu, do đó đã tác động không nhỏ đến việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Chúng tôi đã đề nghị các chủ thể hãy quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua hội chợ, triển lãm để hình ảnh các sản phẩm OCOP của tỉnh đến với người tiêu dùng, thị trường. Tuy nhiên, đến nay đa số chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm đầu tư nguồn lực cho xúc tiến thương mại, chưa chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, như: chương trình trình diễn, giới thiệu sản phẩm, hoạt động kết nối, khuyến mại ở các kênh phân phối, bán lẻ hiện đại… để thu hút sự chú ý, quan tâm của người tiêu dùng.

Trước những hạn chế nêu trên, thời gian tới cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền địa phương rất cần sự chủ động, quyết tâm của các chủ thể để nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu sản phẩm đặc sản của địa phương trên thị trường. Để làm được điều đó các chủ thể phải tập trung đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất theo các tiêu chuẩn, thâm canh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuậtnâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và tích cực tham gia xúc tiến thương mại… đưa sản phẩm OCOP của tỉnh phát triển rộng rãi, bền vững.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận

Tin khác

Back To Top