Mùa đi “vá” rừng

09:18 - Thứ Năm, 14/09/2023 Lượt xem: 7355 In bài viết

ĐBP - Khi cơn mưa đổ xuống biên giới, những lớp đất đã khô nỏ sau thời gian dài phơi nắng được làm mềm lại. Tranh thủ “thời gian vàng”, bà con vùng cao Nậm Pồ tất bật, hối hả vào vụ trồng rừng mới. Những mảnh đất nương trơ trọc ngày nào nay được “đánh thức” bởi bước chân của người trồng rừng.

Chính quyền và các lực lượng hỗ trợ người dân xã Nà Hỳ nhận cây giống hỗ trợ.

Tranh thủ “thời gian vàng”

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có chuyến công tác tại huyện biên giới Nậm Pồ. Ðây cũng là thời gian cao điểm mùa mưa. Những cơn mưa liên tiếp trong nhiều tuần qua là điều kiện thuận lợi cho đồng bào vùng cao vào vụ trồng rừng. Ðó cũng là lý do, đi đâu cũng bắt gặp cảnh bà con gùi cây giống, phân bón ngược đường mòn lên nương.

Tại khu đồi trọc nằm sát cánh rừng cộng đồng mà bà con bản Huổi Hoi, xã Nà Hỳ nhận khoán, ông Sùng Seo Xà đang cùng vợ cuốc đất, vun xới cho những gốc cây lim mới trồng. Toàn bộ khu vực này trước kia là đất nương của gia đình đã khai thác nhiều năm, bạc màu. Trước đây, ông và nhiều hộ trong bản chỉ quen với việc phát rừng làm nương. Thế nhưng, vài năm gần đây được cán bộ về tuyên truyền nhiều, bà con đã hiểu giá trị của rừng đối với cuộc sống. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện để người dân có nguồn sinh kế đảm bảo. Cũng bởi vậy, ý thức trồng rừng đã nhen nhóm và nhu cầu ngày một gia tăng.

Vừa dừng cuốc, đưa tay gạt mồ hôi trên trán, ông Xà tâm sự: “Khi được xã vận động trồng cây vào những diện tích nương bạc màu để lấy lại rừng, tôi đã đăng ký. Song vì kinh phí còn hạn hẹp nên chưa thể mua cây giống trồng. Ðợt vừa rồi được cán bộ cho đăng ký nhận cây giống hỗ trợ miễn phí, tôi rất phấn khởi, bảo vợ đào sẵn hố. Ngay khi nhận cây về là trồng luôn”.

Trong đợt hỗ trợ cây giống này, gia đình ông Xà được nhận 485 cây gồm: Lát, quế, dổi, lim. Thời gian này do mới xuống cây nên ông thường xuyên đi kiểm tra từng gốc để nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý những cây bị nghiêng, đổ hoặc gia súc bới gốc. Vì đúng mùa mưa, nguồn nước đảm bảo nên toàn bộ cây trồng của gia đình ông Xà hiện đã bén rễ và phát triển xanh tốt.

Không chỉ ở Huổi Hoi, tháng 8 cũng là thời gian cao điểm xuống cây của bà con tại 9/9 bản của xã Nà Hỳ. Sau mỗi cơn mưa, các hộ gia đình lại tranh thủ vận chuyển phân bón và cây giống lên đồi. Không khí trồng rừng nơi đây diễn ra nhộn nhịp. Thậm chí, để tiện theo dõi, chăm sóc, đảm bảo cây mới trồng phát triển ổn định, thời gian này nhiều hộ dân ngủ lại ngay trên lán nương.

Không để người dân đơn độc, quá trình xuống cây đều nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật của cán bộ chuyên môn. Ở một số địa bàn, chính quyền xã huy động các lực lượng cùng “xắn tay” với các hộ dân.

Ông Nguyễn Phú Thiết, Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ cho biết: “Từ tháng 7 đến nay trên địa bàn thường xuyên có mưa nên chúng tôi đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn cùng bà con tranh thủ thời gian vàng đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, đảm bảo cho cây cứng cáp, phát triển tốt trước khi bước vào mùa khô. Ðặc biệt, trong tháng 8, xã liên tiếp nhận được các đợt hỗ trợ cây giống. Bà con ai nấy đều phấn khởi nên tạo thành không khí lao động nhộn nhịp trong toàn xã”.

Người dân xã Nậm Nhừ nhận phân bón được hỗ trợ về trồng rừng. Ảnh: Thành Ðạt

Cộng đồng chung tay

Sống giữa rừng núi bao quanh, đã có một thời gian rất dài, nhiều người dân ở Nậm Pồ quanh năm chỉ biết lầm lũi vào rừng khai thác lâm sản để kiếm sống. Những cây rừng đổ xuống để đổi lấy mảnh nương chỉ đủ gạo sống qua ngày. Thậm chí, mỗi năm trôi qua, trong nhiều mái nhà, người dân chỉ quẩn quanh với 2 mùa no - đói. Những cánh rừng già giàu tài nguyên ở biên giới bởi thế mà thưa dần, thay vào đó là những mảng đồi trọc “nham nhở” gối nhau.

Rừng bị tàn phá nên hầu như năm nào trên địa bàn huyện cũng xảy ra mất mùa do hạn hán. Thiên tai, lũ quét, sạt lở đất cứ đến mùa lại chực chờ, đe dọa cuộc sống bà con. Cùng với những chính sách quyết liệt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng của Ðảng và Nhà nước, những năm gần đây, huyện Nậm Pồ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về lợi ích của việc trồng các loại cây lâm nghiệp, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Theo thống kê, từ cuối năm 2021 đến nay, huyện Nậm Pồ đã trồng mới trên 70ha các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Quế, mắc ca, dổi... Qua đó, nâng tổng diện tích trồng rừng lên hơn 330ha.

Và bây giờ, người dân Nậm Pồ cũng nhận ra, muốn có cuộc sống ấm no, ổn định thì phải bảo tồn và phát triển tốt vốn rừng. Từ chỗ phá rừng, nay họ lại trở thành những người đi “vá rừng” và nỗ lực bảo vệ rừng. Nhiều hộ dân có điều kiện tự mua cây giống về trồng. Cơ quan chuyên môn huyện, các xã chỉ đạo cán bộ cùng vào cuộc. Ðặc biệt là hoạt động xã hội hóa, kêu gọi sự chung tay của các tổ chức từ thiện hỗ trợ cây giống cho bà con. Ðồng thời, có chủ trương ưu tiên, khuyến khích người dân trồng cây rừng vào các diện tích nương đã bỏ hoang nhiều năm.

Liên tiếp trong 2 tháng 7 - 8, qua sự kết nối của UBND huyện, người dân 2 xã Nà Hỳ và Chà Tở đã nhận được 360.000 cây giống từ chương trình hỗ trợ của Nhóm trái tim xanh Hà Nội - Ðiện Biên. Chủ yếu tập trung vào các loại cây có giá trị kinh tế cao, như: Dổi, thông, lim, lát hoa, sa mộc, sưa đỏ, quế… Theo lãnh đạo địa phương chia sẻ, thì toàn bộ số cây giống hỗ trợ đều trên cơ sở rà soát, tham mưu của cơ quan chuyên môn huyện, nhằm đảm bảo tính phù hợp, đúng quy hoạch và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Ông Nguyễn Hữu Ðại, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: “Sau khi nhận cây giống, các xã sẽ hướng dẫn, hỗ trợ bà con trồng vào những diện tích đất trống, nương cũ bạc màu. Tổng diện tích dự tính khoảng 316ha. Ðể đảm bảo tỷ lệ cây sống, cán bộ kỹ thuật sẽ hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc. Hiện nhóm từ thiện cũng cam kết sẽ tiếp tục trao tặng cây giống, với mục tiêu đồng hành cùng địa phương trong hành trình lấy lại màu xanh cho rừng. Bởi vậy, chúng tôi sẽ phát huy tốt các mô hình được hỗ trợ năm nay để tiếp tục nhân rộng ra toàn huyện”.

Rời Nậm Pồ khi trời đã ngả về chiều, cơn mưa rừng lại trút xuống. Những con đường trơn trượt như đổ mỡ càng tăng thêm thách thức, khó khăn của địa bàn vùng cao. Thế nhưng, nhìn khuôn mặt phấn khởi của bà con chúng tôi lại có thêm niềm tin, cơn mưa sẽ giúp cho đám cây mới trồng sớm bén rễ. Hướng mắt về biên giới, chúng tôi khấp khởi mừng thầm khi nghĩ đến ngày những đồi núi trọc “nham nhở” ngày nào sẽ sớm được bao phủ bởi một màu xanh mướt…

Hà Linh
Bình luận
Back To Top