ĐBP - Ngày 14/9, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên về việc thực hiện Chỉ thị số 40 – CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với đoàn.
Thời gian qua, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh, để tổ chức cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đến ngày 31/8/2023, tổng nguồn vốn tín dụng được giao, huy động và uỷ thác đạt trên 4.340 tỷ đồng (tăng hơn 2.720 tỷ đồng so với năm 2014). Cơ cấu gồm: nguồn vốn Trung ương chiếm 92,5%; nguồn vốn huy động tại địa phương chiếm 6%; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương chiếm 1,5%. Hoạt động tín dụng CSXH cơ bản đảm bảo về nguồn lực thực hiện, nguồn vốn tăng trưởng hàng năm bình quân đạt 12%, doanh số cho vay 10 năm (2014-2023) đạt trên 8.600 tỷ đồng. Quy trình, thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi; nhận tiền vay, trả nợ trả lãi tại điểm giao dịch xã đã tạo thuận lợi cho Nhân dân. Tuy nhiên còn khó khăn trong công tác tuyên truyền, xử lý nợ vay đối với các hộ gia đình còn dư nợ ngân hàng CSXH nhưng chuyển đi khỏi địa bàn; chất lượng hoạt động của một số đơn vị nhận ủy thác cấp xã còn hạn chế.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Lê Thành Đô đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng của tỉnh, đặc biệt là đường giao thông đến xã, bản, tạo điều kiện để người dân ổn canh, ổn cư, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả vào phát triển sản xuất hàng hóa, đạt mục tiêu giảm nghèo. Đồng thời, nâng mức cho vay với các hộ đầu tư sản xuất kinh doanh, cho vay về chương trình nước sạch; mở rộng về đối tượng và nâng hạn mức cho vay từ 10 triệu đồng lên mức 20 triệu đồng. Có chính sách phụ cấp cho trưởng thôn, bản khi tham gia thực hiện quản lý, giám sát hoạt động tín dụng chính sách để tăng cường trách nhiệm, hiệu quả quản lý đối với hoạt động tín dụng CSXH.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Ngọc An đánh giá cao kết quả của Điện Biên trong việc tuyên truyền các chính sách an sinh xã hội, thực hiện chính sách kịp thời, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; kết quả huy động nguồn vốn tín dụng; công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn đúng quy định và hiệu quả sử dụng tốt. Đồng chí đề nghị Ngân hàng CSXH Việt Nam có cơ chế đặc thù riêng đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn như Điện Biên. Đề nghị tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện hiệu quả việc huy động, sử dụng nguồn vốn tín dụng CSXH; tăng cường tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn.