Cây dược liệu - hướng phát triển kinh tế rừng bền vững

09:08 - Thứ Bảy, 16/09/2023 Lượt xem: 6755 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng bởi có diện tích quy hoạch lâm nghiệp và diện tích rừng khá lớn, là khu vực phân bố của nhiều loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương, người dân phát triển cây dược liệu. Trong đó chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn người dân tham gia liên kết sản xuất, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp phát triển các dự án trồng cây dược liệu trên địa bàn.

Người dân xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) chăm sóc cây quế.

Khai thác tiềm năng

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 2.181,4ha cây dược liệu. Diện tích cây dược liệu chủ yếu tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ và Mường Chà với các loại chính như: Quế, sa nhân, thảo quả, sơn tra, ba kích, ý dĩ, sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu…

Từ năm 2016 đến nay, các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương từ trồng ngô, lúa nương sang trồng cây quế. Ðến nay, diện tích cây quế đạt 1.012,1ha, chiếm diện tích lớn nhất trong hệ thống cây dược liệu toàn tỉnh. Các huyện đang phát triển mạnh cây quế như: Mường Nhé, Nậm Pồ và Mường Chà.

Mùa mưa năm 2020, những cây quế đầu tiên được xuống giống tại huyện Mường Chà bởi người dân bản Huổi Toóng 2 (xã Huổi Lèng). Anh Giàng A Sang, bản Huổi Toóng 2 là một trong những hộ đầu tiên trồng quế. Anh Sang cho biết: Gia đình tôi đã trồng hơn 2ha quế. Ðến nay, cây quế đã phát triển cao hơn đầu người, tỷ lệ cây sống trên 95%. Cây quế có chu trình phát triển từ 8 - 10 năm là có thể cho thu hoạch. Qua khảo sát thực tế các mô hình ở tỉnh Yên Bái, cây quế được thu mua từ gốc đến ngọn nên giá trị cao gấp nhiều lần so với cây ngô, lúa nương. Do đó, cây quế đang được kỳ vọng là cây trồng kinh tế mũi nhọn của người dân xã Huổi Lèng.

Sau 2 năm cây quế bén rễ ở Mường Chà theo các mô hình tự phát, đến năm 2022, UBND huyện Mường Chà đã có chủ trương phát triển cây quế tại những vùng đất được quy hoạch trồng rừng sản xuất.

Ông Vũ Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Quế là cây trồng mới tại địa phương. Ðể phát triển bền vững cây quế, năm 2022, UBND huyện tổ chức đoàn tham quan, khảo sát mô hình trồng quế tại tỉnh Yên Bái. Sau đó, bằng các nguồn vốn bảo vệ và phát triển rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, huyện Mường Chà hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng quế trên nương. Năm 2022, toàn huyện đã triển khai trồng được 82,01ha. Dự kiến hết năm 2023, tổng diện tích cây quế toàn huyện đạt 188ha.

Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là chủ trương đã và đang được huyện Tuần Giáo tập trung triển khai thực hiện mạnh mẽ. Hiện nay, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện khoảng 497,9ha gồm: Thảo quả 83,5ha; sa nhân 140ha; sơn tra 206,1ha; ý dĩ 65ha; sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu 3,3ha. Trong đó, các diện tích cây sơn tra, thảo quả đã cho thu hoạch nhiều năm nay, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân các xã: Tỏa Tình, Tênh Phông. Ðơn cử như, xã Tênh Phông hiện có trên 83ha thảo quả, tập trung dưới tán rừng 3 bản Ten Hon, Há Dùa, Xá Tự. Năm 2022, thảo quả được mùa với 35 tấn quả khô, với giá bán 70.000 - 80.000 đồng/kg, người dân xã Tênh Phông thu nhập gần 3 tỷ đồng.

Ông Mùa A Lầu, Trưởng bản Ten Hon, xã Têng Phông đánh giá: Từ khi trồng thảo quả, các hộ dân bản Ten Hon có của ăn của để. Thảo quả thường thu hoạch nửa cuối năm, giúp nhiều gia đình sửa chữa nhà ở kiên cố và mua sắm đồ đạc đón năm mới. Hiện nay, người dân chuẩn bị vào vụ thu hoạch năm 2023.

Thu hút đầu tư

Mặc dù có tiềm năng lớn song việc phát triển các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn mang tính chất tự phát với các cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ; chưa hình thành mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân; chưa xây dựng được vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến. Bên cạnh đó, thị trường đầu ra sản phẩm không ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua để đưa về các tỉnh miền xuôi hoặc xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Những khó khăn đặc thù trên khiến việc phát triển cây dược liệu chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Ðể phát triển bền vững cây dược liệu nói riêng, kinh tế lâm nghiệp nói chung, cuối năm 2021 UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Ðề án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế triển khai các dự án phát triển cây dược liệu trên địa bàn là một trong những nội dung chính của đề án.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Ðiện Biên đã đón gần 10 doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu lập dự án về cây dược liệu. Hiện nay một số doanh nghiệp, hợp tác xã tại huyện Tuần Giáo đã trồng khoảng 3,3ha với tổng số 78.700 cây sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu tại xã Tênh Phông. Trung tâm Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (Trường Ðại học Tây Bắc) trồng thử nghiệm cây đẳng sâm, giảo cổ lam, ý dĩ với diện tích 1ha/mô hình. Ðầu năm 2022, tỉnh ta đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về “Trồng, chế biến, chuyển giao công nghệ và phát triển cây sâm ở Ðiện Biên, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá, thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh” với các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc.

Ðầu tháng 3/2023, Công ty Cổ phần Ðại An (tỉnh Hải Dương) đã đến Ðiện Biên khảo sát, nghiên cứu đầu tư. Sau khi khảo sát thực tế, Công ty Cổ phần Ðại An quan tâm vào một số lĩnh vực thuộc thế mạnh của tỉnh, trong đó có dự án phát triển cây dược liệu.

Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ðại An cho biết: Ðiện Biên có nhiều tiềm năng để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Công ty Cổ phần Ðại An có một hệ sinh thái rộng lớn về sản xuất, chế biến dược liệu. Do đó, sau chuyến khảo sát này, công ty sẽ đề nghị với UBND tỉnh Ðiện Biên cung cấp thêm thông tin liên quan để công ty nghiên cứu lập dự án phát triển cây dược liệu tại tỉnh Ðiện Biên.

Theo Ðề án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Ðiện Biên phấn đấu phát triển thêm khoảng 2.000ha cây dược liệu.

Bà Ðậu Thị Giang, Phó Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: Ðể đạt mục tiêu đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cần chủ động tổ chức điều tra, đánh giá cụ thể về thực trạng, phân bố, phát triển của các loại cây dược liệu có giá trị cao từ đó phân vùng, đầu tư phát triển theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa. Ðồng thời, ưu tiên huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình để hỗ trợ người dân phát triển các dự án cây dược liệu. UBND tỉnh và các huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng. Hỗ trợ thành lập các HTX để giúp các doanh nghiệp đầu tư các vùng nguyên liệu tập trung; sản xuất, tinh chế, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top