Ngân sách dư gần 263.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương nhưng chưa thực hiện

15:07 - Thứ Hai, 18/09/2023 Lượt xem: 4077 In bài viết

Đến cuối 2021, ngân sách dư gần 263.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương nhưng chưa thực hiện. Về số tiền dư tới cuối 2022, Bộ Tài chính cho hay đang đốc thúc các đơn vị báo cáo, sẽ trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Nghị quyết kỳ họp thứ 5 (tháng 6-2023) của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại kỳ họp thứ 6.

Tại báo cáo vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để phục vụ phiên họp thứ 26 của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đến cuối năm 2021, nguồn cải cách tiền lương từ ngân sách Trung ương chưa sử dụng khoảng 54.517 tỷ đồng, trong đó số tiền ở các bộ, ngành gần 82 tỷ đồng. Các địa phương cũng dư tiền dành cho cải cách tiền lương là 208.457 tỷ đồng.

Như vậy, đến cuối 2021, ngân sách dư gần 263.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương nhưng chưa thực hiện. Số tiền dư tới cuối 2022, Bộ Tài chính cho hay đang đốc thúc các đơn vị báo cáo, sẽ trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Theo quy định tại Nghị quyết 27 của Trung ương, Nghị quyết 23 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025, Trung ương yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, dành nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương toàn diện, gồm thang lương, bảng lương, hệ số và các khoản phụ cấp. Việc này nhằm đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả.

Trong khi đó, Nghị quyết kỳ họp thứ 5 (tháng 6-2023) của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại kỳ họp thứ 6 (diễn ra tháng 10 tới đây).

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính cho biết, cơ quan này đang xây dựng khung ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch ngân sách 3 năm (2024-2026), trong đó đề xuất lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Đây sẽ là cơ sở để sử dụng nguồn tiền thực hiện cải cách tiền lương, tức xác định số được trích lập nhưng chưa sử dụng.

Báo cáo cho biết, Bộ Tài chính sẽ rà soát, thống kê và báo cáo Quốc hội đầy đủ nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng bộ, ngành, địa phương tại ngày 31-12-2022 và đề xuất cơ chế quản lý, sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top