Tuần Giáo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

09:04 - Thứ Ba, 19/09/2023 Lượt xem: 6065 In bài viết

ĐBP - Năm 2023, huyện Tuần Giáo được giao gần 163,487 tỷ đồng thuộc nguồn vốn sự nghiệp 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Sau 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp là 3,908/163,487 tỷ đồng, đạt 2,4% kế hoạch vốn giao. Trong đó, 2 chương trình MTQG: Xây dựng nông thôn mới và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi chưa giải ngân; Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giải ngân đạt 6,8% kế hoạch vốn giao.

Người dân bản Hua Ca, xã Quài Tở tham gia lớp đào tạo nghề thường xuyên kỹ thuật trồng và bảo quản, sơ chế nấm, được mở từ nguồn vốn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững. Ảnh: Nguyễn Hiền

Nguyên nhân là một số nội dung chưa có hướng dẫn, định mức hỗ trợ, chưa xác định được nội dung chi... dẫn đến khó thực hiện. Bên cạnh đó, việc vốn sự nghiệp được giao chi tiết theo từng dự án thành phần, giao cụ thể đến từng nội dung thuộc các lĩnh vực sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, kinh tế. Trong đó, nhiều nội dung không phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn, nhiệm vụ chi của địa phương, thậm chí không có đối tượng như chương trình đề ra... nên còn nhiều vướng mắc. UBND huyện Tuần Giáo đã đề nghị điều chỉnh gần 44,495 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp 3 chương trình MTQG năm 2023 và vốn kéo dài của năm 2022. Trong đó: Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có mức đề nghị điều chỉnh cao nhất với gần 37,737 tỷ đồng; Chương trình Giảm nghèo bền vững điều chỉnh 6,758 tỷ đồng.

Trên cơ sở xác định những dự án, tiểu dự án phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, những tháng cuối năm, UBND huyện Tuần Giáo đã và đang chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và chính quyền các xã, thị trấn tập trung, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ người dân, các đối tượng thụ hưởng của các chương trình, từ đó nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn.

Trong đó có thể kể đến như việc triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023. Huyện dành trọng tâm nguồn lực này xây dựng bản Lồng, xã Tỏa Tình (bản đồng bào dân tộc Mông, gần đỉnh đèo Pha Ðin, cảnh quan đẹp, truyền thống còn được lưu giữ) trở thành bản văn hóa du lịch cộng đồng. Ðến nay, huyện đã mời chuyên gia đến khảo sát, tư vấn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng cho bản. Cùng với đó, tổ chức gặp gỡ, tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện phát triển du lịch cộng đồng. Mới đây, người dân bản Lồng đã ra quân dọn dẹp, phát quang đường vào bản, trồng hoa làm đẹp cảnh quan. Bà Lò Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, đơn vị trực tiếp triển khai Dự án cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện các quy trình, tham mưu lựa chọn đơn vị tư vấn để sớm bắt tay vào xây dựng bản Lồng thành mô hình du lịch cộng đồng, gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của địa phương. Qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”.

Còn đối với tiểu dự án 1, Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” trong Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đang tổ chức các lớp dạy nghề nông nghiệp theo nhu cầu người dân và phù hợp với định hướng địa bàn. 6 tháng đầu năm đã  giải ngân hơn 1 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm 2023 là 1,392/1,869 tỷ đồng trong nhiệm vụ hỗ trợ địa phương đào tạo nghề cho người lao động thuộc tiểu dự án. Ông Vũ Ðức Bình, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Nửa đầu năm, trên địa bàn huyện đã có hơn 500 người dân được đào tạo nghề. Ðợt II từ tháng 6/2023, Trung tâm tiếp tục mở các lớp đào tạo; trong đó, 4 lớp từ nguồn vốn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, với hơn 140 học viên, bao gồm: Ðào tạo thường xuyên nghề kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả; kỹ thuật trồng - quản lý dịch hại trên cây ngô; kỹ thuật trồng và bảo quản, sơ chế nấm; đào tạo trình độ sơ cấp nghề kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho thủy cầm”.

Ðể triển khai hiệu quả các chương trình MTQG, Tuần Giáo xác định các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và nhân dân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối và cơ chế chính sách đối với các chương trình. Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình cần nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả thực hiện... Với tình hình và các giải pháp đó, Tuần Giáo ước thực hiện nguồn vốn sự nghiệp các chương trình MTQG năm 2023 là 118,992/163,487 tỷ đồng, đạt 72,8% dự toán giao.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top