Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

10:10 - Thứ Năm, 21/09/2023 Lượt xem: 4648 In bài viết

ĐBP - Hiện nay việc mua sắm tại các siêu thị như: Hoa Ba, Tâm Ðỏ... cho đến các chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa đã được người dân chủ động thanh toán không dùng tiền mặt; hoạt động mua bán diễn ra nhanh gọn, an toàn, chính xác. Tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang được nhiều người dân ưu tiên lựa chọn khi giao dịch, mua sắm.

Khách hàng thực hiện thanh toán bằng quét mã QR Code khi mua hàng tại Siêu thị Hoa Ba.

Chúng tôi có mặt tại Siêu thị Hoa Ba, TP. Ðiện Biên Phủ thời điểm có đông khách hàng đang mua sắm. Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Oanh, phường Mường Thanh, được biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt thông qua chuyển khoản trên ứng dụng smartbanking của ngân hàng đã trở thành thói quen của chị. Hình thức thanh toán hiện đại trên ứng dụng banking của ngân hàng đã giúp tôi tiết kiệm thời gian, quản lý tài chính thuận tiện hơn trước rất nhiều; đặc biệt khi đi mua sắm không cần phải cầm theo nhiều tiền mặt, tránh xảy ra việc nhầm lẫn. Hiên nay, đi mua hàng tôi chỉ cầm theo điện thoại để thanh toán theo hình thức chuyển khoản hoặc quét mã QR Code là xong, rất an toàn và tiện lợi.

Là một trong những doanh nghiệp tư nhân sớm thích nghi và chủ động trong lĩnh vực chuyển đổi số để phục vụ khách hàng được tốt hơn, Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại Hoa Ba đã chủ động đầu tư máy móc, cơ sở vật chất nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bán hàng như: Ðầu tư hệ thống máy tính, quầy thu ngân có trang bị máy quẹt thẻ ngân hàng (máy chấp nhận thanh toán thẻ POS); sử dụng phần mềm thanh toán điện tử; 100% các mặt hàng được niêm yết giá và gắn mã vạch giúp việc thanh toán được nhanh gọn, thuận tiện hơn.

Anh Ðỗ Quý Ngọc, quản lý nhân sự tại Siêu thị Hoa Ba cho biết: Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thanh toán cho khách hàng đã rút ngắn được thời gian thanh toán, giảm được số nhân lực phải đứng trực tiếp tại quầy thu ngân. Hiện nay, có khoảng trên 60% lượng khách đến mua sắm tại siêu thị thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Chuyển đổi số được xác định là một trong những nội dung quan trọng tạo đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tích cực triển khai các nền tảng dùng chung của quốc gia, các bộ, ngành trung ương như: Nền tảng họp trực tuyến; nền tảng học trực tuyến mở đại trà; nền tảng giám sát an toàn an ninh thông tin, đăng ký kinh doanh, bảo hiểm, giáo dục, y tế... Ðồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương xây dựng, hoàn thiện và “làm giàu” các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành... Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số của tỉnh được triển khai theo hướng sử dụng công nghệ diện toán đám mây đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật theo quy định; là nền tảng hạ tầng quản lý tập trung đảm bảo đồng bộ, thống nhất, an toàn an ninh thông tin, phục vụ hoạt động cho các phần mềm dùng chung của tỉnh. Quan tâm, đầu tư phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, vùng cao. Hiện nay, toàn tỉnh có 890 vị trí phát sóng thông tin di động (BTS) trong đó có 811 vị trí phủ sóng 3G, 801 vị trí phủ sóng 4G. Tổng số thuê bao di động đạt gần 540.000 thuê bao (đạt 84 thuê bao/100 dân). Sóng thông tin di động 3G, 4G được phủ tại 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 95% khu vực có dân cư sinh sống. Số thuê bao internet băng rộng cố định đạt gần 63.000 thuê bao (đạt tỷ lệ 46% hộ gia đình có kết nối internet).

Hiện nay, người dân sử dụng chủ yếu một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như: chuyển khoản, quẹt thẻ ngân hàng, quét mã QR Code, hay sử dụng ví điện tử ViettlPay... Các phương tiện dịch vụ thanh toán của các đơn vị được vận hành thông suốt, ổn định, khả năng xử lý các giao dịch thanh toán với tốc độ cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu, chuyển tiền nhanh chóng, thuận tiện, an toàn cho khách hàng. Ðặc biệt lĩnh vực thanh toán diện tử trong lĩnh vực hành chính công được đẩy mạnh, đem lại sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tiêu biểu các dịch vụ thu như: Thuế, điện nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm. Nhờ đó, số cơ quan đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 97,9%; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 69%; 34% dân số có tài khoản thanh toán điện tử, với đa dạng các hình thức thanh toán trực tuyến qua thẻ, thanh toán qua Internet banking, Mobile banking, Mobile Money... Công tác triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho các đối tượng bảo trợ xã hội và người có công được UBND quan tâm chỉ đạo thực hiện. Toàn tỉnh đã thu thập tài khoản cho 16.900/35.852 đối tượng thụ hưởng (đạt 47,17%); tiến hành chi trả qua tài khoản cho 9.966/35.828 đối tượng (đạt 27,82%). Công tác thu nộp học phí và hỗ trợ chi trả chi phí học tập cho sinh viên không dùng tiền mặt đang được triển khai, đã thực hiện 69.084/182.665 người (đạt 37,8%).

Mặc dù đã dạt những kết quả tích cực, việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như: Hạ tầng viễn thông ở một số khu vực vùng cao, vùng xa còn chưa bảo đảm, nhiều khu vực còn chưa có sóng, sóng yếu, chưa được kết nối internet băng rộng cố định. Tỷ lệ người dân có thiết bị máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, tỷ lệ hộ gia đình kết nối internet, tỷ lệ thiết bị bảo đảm kết nối, sử dụng các nền tảng số còn thấp. Một bộ phận dân cư nhất là ở khu vực nôn thôn, vùng cao và người cao tuổi còn có thói quen, tâm lý thích sử dụng tiền mặt; e ngại tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, lo ngại về an toàn, an ninh mạng khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top