Vào vụ măng Tết

10:39 - Thứ Năm, 21/09/2023 Lượt xem: 6945 In bài viết

ĐBP - Măng khô là một trong những đặc sản “nức tiếng” của vùng Tây Bắc. Đây là thực phẩm được nhiều gia đình lựa chọn trong mâm cơm ngày Tết. Thế nhưng, trước khi thành phẩm đến được người tiêu dùng, mỗi củ măng tươi phải trải qua nhiều công đoạn dưới bàn tay cần mẫn của người lao động. Biên giới độ này đang tất bật vào vụ làm măng khô!

Những hộ sản xuất số lượng nhiều phải đầu tư các nồi quân dụng cỡ lớn để luộc măng.

Rộn ràng chế biến

Đến các địa bàn vùng cao thời gian này, hình ảnh dễ dàng bắt gặp nhất là sắc vàng ruộm của những sạp măng người dân phơi ven đường. Dừng xe trên quốc lộ 12, chúng tôi ghé thăm gia đình bà Lò Thị Tình, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) để cảm nhận rõ hơn không khí lao động vào mùa.

Đa phần người dân trên địa bàn hiện nay đều sản xuất măng tre.

Mùi chua chua thoang thoảng, quyện vào trong gió là đặc trưng riêng của những khu vực dân cư làm măng. Có thể, với người mới đến sẽ có đôi chút khó chịu, nhưng theo bà Tình thì người dân ở đây đã quen với mùi này, thậm chí đến mùa mà không làm lại nhớ. Măng rừng từng là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn, đôi lúc họ cũng mang “đổi” gạo để sống qua những tháng ngày khốn khó.

Những củ nhỏ, mẫu mã không đẹp được chẻ để làm măng rối.

Đã nhiều năm nay, khi măng khô được thị trường tiêu thụ mạnh, thì tìm kiếm măng rừng cũng mang lại nguồn thu nhất định cho lao động nghèo. Nhiều người không có đất sản xuất nông nghiệp, mùa măng là thời điểm tranh thủ kiếm tiền. “Măng chỉ phát triển khi có mưa nên thường thì bắt đầu từ cuối tháng 7 sẽ có măng, cho đến đầu tháng 10 là hết. Năm nay mưa sớm, măng xuất hiện nhiều và sớm hơn nên cả vợ, chồng tôi và gia đình các con đều tham gia. - bà Tình chia sẻ.

Măng được phơi tự nhiên và không có hóa chất nên có màu vàng cánh gián đặc trưng.

Đã hơn 20 năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Phượng, ở bản Hồ Chim, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) duy trì thu mua măng tươi để chế biến măng khô. Bà Phượng cho biết: Mặc dù giá măng khô khá cao, từ 100.000 - 130.000 đồng/kg nhưng hàng sản xuất ra đến đâu đều được xe thu mua hết đến đó. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnhcòn xuất bán ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, TP. Hồ Chí Minh… Đa phần khách hàng đều có phản hồi rất tốt, quay lại mua nhiều lần.

Phân loại măng để đóng gói xuất ra thị trường.

Đa phần người dân hiện nay vẫn duy trì sản xuất măng khô thủ công, không sử dụng chất tạo chua và phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Do vậy, măng thành phẩm thường sẽ có màu vàng cánh gián đặc trưng. Tùy thuộc vào kích thước và loại măng thu hái được, bà con sẽ sàng lọc để sản xuất ra các dòng măng khô: bẹ, củ, lưỡi lợn, rối… với giá thành khác nhau. Song tất cả đều trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ, như: Làm sạch, luộc kỹ, để nguội, phơi khô… Đặc biệt, do đặc thù khu vực miền núi, thời tiết thất thường, nên để đảm bảo chất lượng măng, bà con sẽ bảo quản trong các túi nilon kín, tránh tuyệt đối không để gặp mưa.

Song hành khai thác và bo vệ

Mặc dù chỉ mang tính thời vụ, song mùa măng lại được xem là mùa kiếm tiền của những lao động nghèo miền núi. Cũng như nhiều hộ dân khác, sau những cơn mưa đầu mùa, ông Sùng A Sếnh, bản Chăn Nuôi, xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) lại đeo lu cở vào rừng đào măng. Đi từ sớm tinh mơ, ông Sếnh cần mẫn vượt qua những khu đồi trơn trượt cho đến quá trưa mới trở về nhà. Mỗi ngày 2 lượt đi - về, thành phẩm thường là 2 gùi măng chất cao quá đầu.

“Mỗi ngày tôi đào được khoảng 10 - 20kg, sau khi bóc vỏ thì còn khoảng 7 - 15kg, chủ yếu là măng tre. Tôi bán cho các cơ sở thu mua trong xã, được khoảng 3.000 đồng/kg. Thu nhập không lớn, nhưng chịu khó thì cũng có thêm thu nhập cải thiện bữa cơm cho vợ con. - ông Sếnh bộc bạch.

Còn ông Quàng Văn Thân, xã Mường Lói (huyện Điện Biên), cho biết: Muốn tìm măng, phải đi thật sớm. Bởi theo kinh nghiệm của nhiều người, măng rừng chủ yếu mọc nhanh vào ban đêm, nhất là hôm nào có mưa. Thông thường, mỗi người sẽ ghi nhớ cho mình một khu vực riêng biệt. Rồi như “luật bất thành văn”, mỗi năm họ chỉ đến đúng vị trí đó đào, không lấn sang khu vực của người khác. Người đi đào măng cũng thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro, như: bị vắt cắn; ong đốt; trượt ngã; nguy hiểm nhất là rắn cắn. Bởi lẽ, những bụi tre rừng thường mọc tại các khu vực ẩm ướt, rậm rạp”.

Tỉnh Điện Biên hiện có diện tích đất rừng trên 407.000ha, tỷ lệ che phủ đạt gần 43%. Những năm gần đây, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương đã thắt chặt quản lý, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó giúp các hộ trồng rừng và người dân hiểu rõ hơn về lợi ích từ việc giữ rừng để hưởng lợi từ rừng. Đặc biệt là nguồn lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp bà con có ý thức hơn trong quá trình khai thác, bảo vệ. Theo đại diện Kiểm lâm huyện Nậm Pồ, tại các địa bàn có rừng, mỗi hộ dẫn đều được tuyên truyền, kí cam kết bảo vệ rừng. Quá trình khai thác các loại lâm sản phụ (trong đó có măng) bà con phải đảm bảo tuân thủ các quy định, đặc biệt nghiêm cấm khai thác tận diệt.

Ông Hồ Chử Dung, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) cho biết: Đảng ủy xã thường xuyên chỉ đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể phối hợp với lực lượng lượng kiểm lâm tuyên truyền bà con khai thác đúng quy định. Lâu nay, các loại măng tre, nứa, mạy hốc... là lâm sản phụ mà bà con thường khai thác, chế biến thành đặc sản địa phương. Để khai thác lâu dài, người dân giữ lại một phần để măng phát triển thành khóm lớn, thậm chí mang về trồng gần nhà và tích cực bảo vệ rừng để tạo sinh kế bền vững.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top