Khắc phục khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng

15:07 - Thứ Năm, 21/09/2023 Lượt xem: 7046 In bài viết

ĐBP - Nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tương đối lớn. Trong khi đó các điểm mỏ khai thác, nguồn cung còn khá hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát các loại đang thiếu, chưa đảm bảo về nguồn cung ứng. Trước thực tế đó, tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thiếu hụt vật liệu xây dựng, từ đó góp phần quan trọng vào việc không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.

Nguồn vật liệu đá đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong ảnh: Mỏ đá Minh Thắng, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) khai thác đá xây dựng phục vụ các công trình.

Năm 2023, huyện Mường Nhé triển khai khá nhiều các công trình xây dựng; trong đó chỉ riêng Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng huyện đã thực hiện khoảng 40 công trình, trong đó có 30 dự án làm mới và còn lại là tiếp chi của năm trước. Số công trình, dự án nhiều đòi hỏi khối lượng vật liệu xây dựng sử dụng khá lớn dẫn đến nguy cơ thiếu hụt vật liệu để phục vụ trong các công trình hoặc nếu lấy từ nơi khác (cát hợp pháp) vận chuyển về đến chân công trình thì chi phí trong xây dựng rất cao. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Mường Nhé chia sẻ: Hiện nay, để triển khai xây dựng các công trình trên địa bàn, nhà thầu đều phải lấy đá và gạch không nung từ huyện Nậm Pồ; cát xây dựng từ huyện Mường Chà hoặc huyện Điện Biên vào công trình. Việc trên địa bàn không có các mỏ vật liệu xây dựng tại chỗ khiến chi phí vận chuyển lớn, giá vật liệu tăng lên nhiều, có thể gấp đôi so với các địa phương thuận lợi khác. Cụ thể, đá, cát có thể tăng lên 100%. Tuy nhiên, xác định đó là tình trạng chung nên chúng tôi vẫn yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp cần lấy nguồn vật liệu đảm bảo để xây dựng lên những công trình có chất lượng tốt nhất.

Tương tự như huyện Mường Nhé, hiện nay, trên địa bàn huyện Tủa Chùa khá khó khăn về vật liệu xây dựng. Toàn huyện hiện có 3 mỏ khai thác đá; còn về cát xây dựng không có điểm mỏ nào khiến cho việc thực hiện xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Để có cát phục vụ các công trình, các đơn vị, doanh nghiệp đều phải chở cát xây dựng từ huyện Tuần Giáo. Ông Hạng Xuân Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tủa Chùa cho biết: Về vấn đề vật liệu xây dựng trên địa bàn, huyện Tủa Chùa gặp nhiều khó khăn liên quan đến cát xây dựng. Trên địa bàn không có mỏ cát trong khi đó thì để triển khai xây dựng không thể khai thác trái phép hay tận thu ngoài tự nhiên. Chính vì vậy, để đảm bảo đầy đủ nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là giải quyết vấn đề thiếu cát xây dựng, đơn vị cũng tiến hành vận động một số doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức sản xuất cát nhân tạo từ bột đá, sỏi… phục vụ các công trình. Khi đã đảm bảo các điều kiện, được cấp phép sản xuất thì đây sẽ là nguồn vật liệu tại chỗ, cơ bản giải quyết được việc thiếu cát xây dựng trên địa bàn.

Trên cơ sở đánh giá của Sở Xây dựng, trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố hiện đều có ít nhất 01 mỏ đá; trừ thị xã Mường Lay (không có mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường) và huyện Điện Biên Đông (hiện mỏ đá đã hết thời gian khai thác, đang thực hiện việc gia hạn giấy phép khai thác). Vậy nên, về cơ bản nguồn đá làm vật liệu xây dựng thông thường đều đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Còn về cát, sỏi tự nhiên làm vật liệu xây dựng thông thường, hầu hết các địa phương đều lấy cát xây dựng ở mỏ cát tập trung tại khu vực huyện Điện Biên. Thời gian vừa qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cơ quan chức năng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá khu vực, vị trí các điểm mỏ cát, sỏi có tiềm năng về trữ lượng và chất lượng để đưa vào Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Qua đó, UBND tỉnh đã phê duyệt kết quả trúng đấu giá đối với 13 điểm mỏ tại địa bàn các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông và Mường Chà. Hiện tại, các đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác đang thực hiện trình tự thủ tục để xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật. Cùng với đó cũng khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp sử đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại, đồng bộ để sản xuất cát nghiền nhân tạo nhằm giải quyết vấn đề thiếu cát xây dựng. Hiện tại, trên địa bàn khu vực Tây Trang và khu vực Mường Ảng đã có 03 đơn vị đang sản xuất cát nghiền nhân tạo đảm bảo về quy cách, chất lượng theo quy định; tổng công suất sản xuất trên 150.000 m3/năm.

Ông Nguyễn Minh Lượng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Để cát nghiền nhân tạo sớm được triển khai sử dụng đại trà đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, vốn đối tác công tư (PPP) hay vốn khác trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí để tiếp trục triển khai đề tài cát nghiền (giai đoạn 2), nghiên cứu, xây dựng định mức cát nghiền nhân tạo cho công tác xây, trát. Việc sử dụng cát nghiền đại trà trong các công trình xây dựng sẽ làm giảm hoặc không còn tình trạng khai thác cát tự nhiên trái phép. Vì lẽ đó có thể khẳng định, việc khuyến khích đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị nghiền cát từ đá (cát nhân tạo) hiện đại, đồng bộ đối với các cơ sở sản xuất đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh khá cần thiết. Ngoài cát, đá xây dựng, về đất làm vật liệu đắp, san lấp, hiện tại trên địa bàn huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ có 02 mỏ đủ điều kiện cung ứng cho các dự án trên địa bàn. Ngoài ra, khối lượng đất trong phạm vi các dự án đầu tư xây dựng công trình sau khi cân bằng đào đắp tại công trình, khối lượng thiếu để đắp có thể cung ứng tại chỗ trong phạm vi công trình xây dựng theo đúng quy định. Do vậy, về đánh giá chủ quan của Sở Xây dựng đối với vật liệu đá, cát sỏi, gạch đất nung, gạch xây không nung, đất làm vật liệu đắp, san lấp trong thời gian tới sẽ không có sự khan hiếm và thiếu.

Có thể thấy rằng, đối với một địa phương còn nhiều khó khăn về giao thông đi lại, nguồn tài nguyên khoáng sản hạn chế, trong khi đó lại triển khai nhiều công trình dự án trọng điểm nên khó tránh khỏi việc khan hiếm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, các địa phương cũng như sự chủ động của cơ quan chuyên môn, đến nay, nguồn vật liệu xây dựng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu xây dựng. Thế nhưng, về lâu dài, tỉnh ta cũng cần có những giải pháp căn cơ hơn để khảo sát, tạo điều kiện cấp phép cho các điểm mỏ có đảm bảo điều kiện khai thác, đẩy mạnh sử dụng các vật liệu nhân tạo… nhằm tạo ra nguồn cung ứng tại chỗ làm vật liệu xây dựng. Một khi các địa phương chủ động được nguồn vật liệu xây dựng sẽ góp phần không nhỏ vào việc giảm chi phí vận chuyển, hạn chế chi phí đầu tư xây dựng, tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên sẵn có và tránh thất thoát vốn Nhà nước cũng như không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top