Tênh Phông mất mùa thảo quả

09:36 - Thứ Bảy, 23/09/2023 Lượt xem: 5532 In bài viết

ĐBP - Thảo quả loại cây trồng từ lâu được xem là cây xóa đói giảm nghèo của người dân xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo. Mỗi mùa thảo quả về, là lúc người dân Tênh Phông rộn ràng, hối hả lên nương thu hái, vận chuyển, chế biến... Vất vả nhưng ai nấy đều vui vì nó chính là tín hiệu của ấm no hạnh phúc. Nhưng năm nay, Tênh Phông buồn hiu vì thảo quả mất mùa...

Người dân bản Há Rùa thu hoạch thảo quả.

Tênh Phông là xã vùng cao của huyện Tuần Giáo với địa hình đặc thù được bao quanh bởi những tán rừng già, rừng phòng hộ, hình thành một vùng tiểu khí hậu riêng biệt, nhiệt độ cao nhất chỉ khoảng 26 độ. Khí hậu mát mẻ quanh năm nơi đây rất phù hợp với các loại cây dược liệu, trong đó thảo quả là cây trồng được nhiều người dân trong xã lựa chọn vì vừa phát triển kinh tế gia đình mà không phải chặt cây rừng làm nương rẫy như trước đây. Những năm gần đây, thảo quả đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, giúp nhiều hộ thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Nhưng năm nay, do thời tiết nắng nóng khiến thảo quả mất mùa, năng suất kém, không được nhiều như những năm trước.

Tháng 9, tháng 10 hàng năm thường là thời gian vui vẻ, tấp nập và được người dân Tênh Phông mong chờ nhất trong năm bởi đây chính là thời điểm thu hoạch thảo quả. Cả bản sẽ tập trung lên nương để thu hoạch thảo quả của gia đình. Nhưng năm nay, không khí thu hoạch của bà con đã trở nên trầm lắng vì thảo quả không được mùa, năng suất chưa bằng một nửa năm ngoái. Sau hơn 30 phút đi bộ băng rừng, chúng tôi có mặt ở nương thảo quả của anh Lầu A Thào, bản Há Rùa. Hạ chiếc gùi đổ thảo quả vừa thu hoạch ra bạt, anh Thào nhẹ giọng nói: Thời tiết năm nay bất thường, khi thảo quả ra hoa thì nắng nóng suốt, mấy tháng không mưa nên lá non bị cháy hết, hoa cũng bị cháy nắng nên quả ít lắm. Nhà tôi có hơn 3ha thảo quả, vụ năm ngoái gia đình thu được khoảng 1 tấn quả khô, bán lãi được 80 triệu đồng. Nhưng vụ này thu hoạch được ít, chắc chỉ bằng một nửa của năm trước thôi.

Công đoạn sấy thảo quả.

Dừng chân nghỉ ngơi ở quán nước bên đường ngay trụ sở ủy ban xã, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với anh Ðặng Hữu Cường, bản Ten Hon. Anh Cường chia sẻ: Gia đình anh cũng trồng thảo quả, ngoài ra còn buôn bán, thu mua nông sản, đi rừng thu hái các loại thuốc. Hồi giữa tháng 1, khi thảo quả bắt đầu ra hoa gia đình cũng lên nương tiến hành cắt tỉa để quả năng suất hơn. Khi đó, hoa thảo quả rất đẹp, nhìn không lỡ cắt, mỗi bông phải nặng hơn một cân, đấy là thời gian rất quan trọng quyết định năng suất, chất lượng của thảo quả có đạt hay không. Cứ nghĩ năm nay thảo quả cũng sẽ được mùa, bội thu, nhưng do biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng kéo dài mấy tháng lại đúng vào thời gian thụ phấn của hoa nên năng suất kém, cây không đậu quả. Lúc trước đi thăm nương thấy ít quả quá, không bõ công thu hái, vận chuyển nên gia đình cũng chẳng muốn thu hoạch, để mặc cho các chủ nương bên cạnh mót hộ.

Trao đổi thêm với anh Lầu A Nênh, Phó Chủ tịch UBND xã Tênh Phông về vụ thu hoạch thảo quả, anh Nênh tâm sự: Toàn xã có hơn 83ha trồng thảo quả của người dân tại 5 bản. Những năm trước, thảo quả được mùa, bà con rất vui mừng, phấn khởi, đâu đâu cũng vang tiếng cười đùa, nhộn nhịp cảnh người mua kẻ bán. Những chủ nương ở xa còn phải ăn, ngủ, thu hái và rải bạt phơi thảo quả ngay tại nương, đến khi thảo quả tóp lại, nhẹ hơn, bưng, vác dễ dàng hơn thì mới vận chuyển về nhà. Người dân còn phải làm rào chắn và cử người trông giữ, kiểm soát thương lái, người ra vào trong mùa thu hoạch thảo quả. Năm nay bà con thu hoạch thảo quả sớm hơn mọi năm, nhưng vì thảo quả mất mùa nên cảnh thu hoạch, mua bán diễn ra đìu hiu, không còn sôi nổi, tấp nập như năm trước. Năm nay các hộ thu hoạch được ít nên không cắt cử người gác. Những nương thảo quả ở gần bà con đã thu hoạch xong, chỉ còn các nương xa gần đỉnh núi. Mấy năm trước thảo quả được mùa, đa số các hộ đều đầu tư xây dựng lò sấy tại gia đình, nhưng năm nay do thu hái được ít, không đủ mẻ sấy nên nhiều hộ đành phải bán quả tươi với giá từ 15.000 - 17.000 nghìn đồng/kg. Giá như có thể thiết kế được đường ống dẫn nước phun sương ở trên nương, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết thì tốt biết mấy. Khi ấy, bà con không còn phải lo thảo quả mất mùa, chỉ cần vài vụ là người trồng có thể thoát nghèo, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Rời xã Tênh Phông trên con đường ngoằn ngoèo đặc trưng của vùng núi, ngước nhìn nương thảo quả mà lòng nặng trĩu. Bao nhiêu trông mong, hi vọng vào mùa thảo quả năm nay của người dân đã tan biến, thảo quả mất mùa, thu nhập giảm nhiều, người nông dân lại thêm phần cơ cực.

Ðức Linh
Bình luận
Back To Top