Từ đầu năm 2023 đến nay, gạo là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh trong nhóm hàng nông, lâm sản nước ta. Nổi bật là sự đột phá từ gạo chất lượng cao...
Giá tăng cao nhất trong 11 năm qua
Bộ NN&PTNT thông tin, đến hết tháng 8-2023, Việt Nam xuất khẩu 5,81 triệu tấn gạo, trị giá 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân đạt 543,9 USD/tấn, tăng 11,8%.
Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa cho hay, giá xuất khẩu gạo đang ở mức cao nhất trong 11 năm qua.
Cập nhật thông tin từ thị trường, cuối tháng 9-2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 613-617 USD/tấn, gạo 25% tấm dao động quanh mốc 598-602 USD/tấn. Đáng chú ý, đối với dòng gạo thơm, gạo chất lượng cao, giá xuất khẩu trung bình của Việt Nam ghi nhận ở mức 710 USD/tấn.
Phân tích về thị trường lúa gạo thế giới, ông Lê Thanh Hòa cho rằng, xuất khẩu gạo Việt Nam đang có lợi thế lớn khi nhu cầu lương thực tại nhiều quốc gia tăng mạnh. Ngoài nguyên nhân từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số quốc gia thì còn có nguyên nhân quan trọng từ dự báo sản lượng gạo toàn cầu sẽ giảm do tác động của El Nino.
Tại Thái Lan, sản lượng gạo năm nay có thể giảm 6%, xuống mức từ 25,1 đến 25,6 triệu tấn và còn có thể xuống thấp hơn. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Việt Nam cũng dự báo 70-80% hiện tượng El Nino sẽ phát triển vào gần cuối năm 2023 và kéo dài sang năm 2024. Dựa trên ước tính của Bộ NN&PTNT, sẽ có 10-15 nghìn héc ta lúa thu đông của Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ khô hạn, khan hiếm nước, xâm nhập mặn.
Trong khi đó, để đối phó với El Nino, nhiều quốc gia như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và các nước châu Phi đều đẩy mạnh dự trữ gạo để bảo đảm an ninh lương thực khiến nhu cầu gạo trên thế giới càng tăng cao. Đây là những điều kiện để xuất khẩu gạo Việt Nam bứt phá trong năm nay.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố cung - cầu, gạo Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường thế giới bởi chất lượng hạt gạo. Cơ cấu chủng loại tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo.
Chủng loại gạo trắng thường vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 55,5% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 2,35 triệu tấn); tiếp đến chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 24,2% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 1 triệu tấn); chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 358,5 nghìn tấn); gạo tấm chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 324,1 nghìn tấn).
Về thị trường, Philippines là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam; kế đến là Trung Quốc, Indonesia... Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang một số thị trường tăng rất mạnh, như: Senegal, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, gạo Việt Nam đã và đang đi đúng định hướng, tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng.
Bảo đảm an ninh lương thực
Tình hình an ninh lương thực trên thế giới đã tạo cho gạo nước ta cơ hội bứt phá, song Việt Nam vẫn chú trọng bảo đảm an ninh lương thực trong nước, hài hòa với xuất khẩu.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5-8-2023 về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Thông tin thêm về vấn đề này, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết: Tính đến tháng 7, cả nước gieo cấy được gần 6,2 triệu héc ta lúa. Các địa phương cũng đã thu hoạch gần 3,7 triệu héc ta với năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha, sản lượng lúa thu hoạch đạt hơn 24,1 triệu tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo sát tình hình sản xuất, Cục Trồng trọt đã có đoàn kiểm tra một số vùng trồng lúa trọng điểm, dự kiến sản lượng lúa cả nước năm 2023 đạt 43,2-43,4 triệu tấn. Cục cũng đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn làm việc với các địa phương để kiểm tra nguồn nước, kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 để có nguồn cung lúa gạo tốt nhất cho thời gian tới; có kế hoạch tăng diện tích sản xuất lúa vụ thu đông tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000ha lên 700.000ha để gia tăng sản lượng.
Về lâu dài, để xuất khẩu gạo bền vững, Bộ NN&PTNT yêu cầu các vùng trồng lúa trọng điểm cùng doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi lúa gạo. Hiện, không chỉ thị trường xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, nhu cầu gạo chất lượng cao cũng tăng mạnh. Theo đó, Bộ NN&PTNT khẩn trương triển khai xây dựng, thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Ngoài ra, nhiều địa phương chủ động xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo. Cụ thể, mới đây “Dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (TRVC)” cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Dự án có tổng vốn hơn 22 tỷ đồng do Tổ chức Phát triển Hà Lan viện trợ, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp là chủ dự án. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2027 với mục tiêu hình thành 50-60 hợp tác xã; hỗ trợ sinh kế cho khoảng 75.000 nông dân sản xuất nhỏ lẻ trên quy mô sản xuất 75.000ha; hỗ trợ phát triển thương hiệu gạo các-bon thấp trên địa bàn tỉnh…