Phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế

09:45 - Thứ Sáu, 29/09/2023 Lượt xem: 4797 In bài viết

Hầu hết quế Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thô sang Ấn Độ được chế biến, gắn nhãn mác Ấn Độ để xuất khẩu đi các nước với giá trị cao.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ tại nước ngoài tháng 9-2023 chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 28-9, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, với nguồn dược liệu đa dạng, phong phú, ngành sản xuất đang phát triển theo hướng bền vững Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế.

Việt Nam cần gia tăng sản xuất sản phẩm dược liệu chế biến sâu cho xuất khẩu. Ảnh minh họa từ internet.

Cụ thể theo ông Vũ Bá Phú, trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam có nguồn dược liệu đa dạng với trên 5.100 loài dược liệu, nhiều dược liệu tự nhiên quý hiếm. Trong đó, diện tích quế đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Còn cây hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, có phần lớn ở Việt Nam và Trung Quốc.

Đến nay, ngành chế biến quế, hồi, dược liệu Việt Nam đã đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo thương hiệu từng bước đưa Việt Nam trở thành nguồn cung dược liệu quan trọng trên thế giới, phát triển thành một ngành kinh tế có giá trị.

Các mặt hàng, sản phẩm từ quế hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực tại nhiều quốc gia.

“Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Một trong những lý do là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: Quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ”, ông Phú nhấn mạnh.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lam Giang

Thông tin tại hội nghị, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ tiêu thụ sản phẩm quế, hồi hàng đầu thế giới cũng là nước sản xuất dược liệu lớn. Hiện Việt Nam thống lĩnh thị trường Ấn Độ với hơn 80% lượng nhập khẩu quế, hồi. Kết thúc năm tài chính 2022 - 2023 vừa qua, Ấn Độ nhập khẩu 32,6 nghìn tấn quế từ Việt Nam chiếm 85,6% tổng lượng quế nhập khẩu.

Quế Việt Nam được thị trường Ấn Độ yêu thích do hàm lượng tinh dầu cao, hương vị đặc trưng, mức giá cạnh tranh do có thuế bằng 0%. Dù vậy, hầu hết quế Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thô sang nước này và gắn nhãn mác Ấn Độ để xuất khẩu đi các nước với giá trị cao. Do đó, ông Thướng kiến nghị doanh nghiệp nên tăng cường kết nối với đối tác Ấn Độ để học hỏi, áp dụng công nghệ chế biến quế hồi từ nước này nhằm sản xuất được sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Pakistan cũng là thị trường có nhu cầu tiêu thụ quế, hồi, dược liệu lớn và ổn định. Bà Nguyễn Thị Điệp Hà, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại nước này cho biết, Pakistan nhập khoảng 7 nghìn tấn năm 2022, trị giá hơn 15 triệu USD, trong đó Việt Nam chỉ chiếm hơn 4% thị phần. Xuất khẩu quế của Việt Nam sang Pakistan tăng hơn 250% trong năm 2022, đạt 310 tấn, trị giá 665 nghìn USD. Nước ta xuất khẩu 501 tấn hoa hồi sang Paskistan năm 2022 với trị giá 277 nghìn USD, giảm 15%.

Pakistan ưa chuộng quế vỏ mỏng, hàm lượng tinh dầu thấp, giá rẻ. Còn với sản phẩm hoa hồi, nước này ưa chuộng sản phẩm có giá rẻ để làm thực phẩm. “Các nhóm sản phẩm này muốn xuất khẩu sang Pakistan phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, chứng nhận sản phẩm Halal, riêng sản phẩm qua chế biến phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Hà thông tin.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top