Góc nhìn - Tiêu điểm
ĐBP - Công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, đến nay, sau 9 tháng tỷ lệ giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.624,531 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân năm 2023 đến ngày 31/8 mới đạt 1.729,503 tỷ đồng (đạt 37,4% kế hoạch).
Ðiều đáng nói là tại các diễn đàn, hội nghị, báo cáo chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, khi được UBND tỉnh yêu cầu báo cáo, đa phần các địa phương chỉ nêu kết quả thực hiện đến thời điểm hiện tại, đồng thời thể hiện cam kết sẽ hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn theo kế hoạch UBND tỉnh giao. Rất ít đơn vị đánh giá, phân tích, nêu rõ những khó khăn đang gặp phải là gì? Vướng mắc ở đâu? Cần đề xuất, kiến nghị với tỉnh về giải pháp tháo gỡ như thế nào?
Nếu không gặp khó, vướng mắc gì thì tại sao nguồn vốn không thể giải ngân? Tại sao có những dự án phải trả hồ sơ nhiều lần và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể hoàn thiện hồ sơ để khởi công? Vì sao một số dự án phải chuyển nguồn? Ðến nay vẫn còn 4 đơn vị chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư năm 2023?
Không khó để nhận diện những khó khăn, hạn chế trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 (bao gồm cả nguồn vốn kéo dài từ năm 2022 chuyển sang 2023). Có những nguyên nhân khách quan như: Một số dự án Chính phủ giao vốn chậm; việc triển khai các dự án tại địa phương cần chờ hướng dẫn của Trung ương để đảm bảo thực hiện đúng quy định, điều kiện thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án... Nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân chính dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công đến từ ý thức chủ quan của các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư. Cụ thể: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tại một số địa phương, đơn vị chưa sâu sát, quyết liệt. Năng lực lập kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tại một số đơn vị còn nhiều bất cập, chưa quyết liệt, hiệu quả; thiếu sự đôn đốc trong công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành. Sự phối hợp giữa các đơn vị được giao chủ đầu tư với các cơ quan quản lý Nhà nước và các địa phương có dự án đầu tư chưa nhịp nhàng, hiệu quả.
Mục tiêu của tỉnh phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95%, trong đó đến hết quý IV đạt trên 90%. Khối lượng công việc nhiều trong khi thời gian thực hiện chỉ còn khoảng 4 tháng. Do đó, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và chủ đầu tư.
Trước hết cần tập trung tháo gỡ “nút thắt” trọng yếu là công tác giải phóng mặt bằng dự án, đặc biệt trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên. Các đơn vị phải rà soát, xác định rõ khó khăn, vướng mắc chính (do cơ chế, chính sách; cách thức thực hiện, nguồn nhân lực...) để có giải pháp phù hợp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công; phân công cụ thể lãnh đạo phụ trách các chương trình, dự án thường xuyên kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Sở Kế hoạch và Ðầu tư tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các đơn vị, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn để tránh bị thu hồi vốn khi hết thời hạn giải ngân, đặc biệt là các trường hợp không được phép kéo dài theo quy định của Luật Ðầu tư công. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, trao đổi giữa UBND cấp huyện và các ngành trong giải quyết các thủ tục về đầu tư, hạn chế thấp nhất việc trả lại hồ sơ dự án.