Đáp ứng kỳ vọng của nông dân

10:37 - Thứ Ba, 17/10/2023 Lượt xem: 4849 In bài viết

ĐBP - Lần đầu tiên dự hội nghị đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh, các hội viên nông dân kỳ vọng người đứng đầu UBND tỉnh sẽ giải đáp những băn khoăn, khó khăn của người nông dân trong quá trình triển khai phát triển sản xuất nông nghiệp. Về phía Ban tổ chức hội nghị cũng mong muốn buổi đối thoại được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân; nắm bắt những bất cập, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Từ đó, UBND tỉnh kịp thời có những giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

Buổi đối thoại đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và mang tính xây dựng cao

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô trả lời các kiến nghị của nông dân tại Hội nghị đối thoại với nông dân. 

Nội dung trọng tâm được hội viên nông dân đặt câu hỏi chủ yếu về các vấn đề: Khả năng tiếp cận vốn tín dụng của nông dân; hỗ trợ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với những cây trồng mới như cây mắc ca; quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân trong thực hiện các dự án liên kết sản xuất…

Năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Cựu chiến binh Điện Biên (huyện Điện Biên) bắt đầu triển khai dự án trồng cây mắc ca trên cơ sở các hội viên góp đất. Đến nay, HTX đã trồng được hơn 15ha mắc ca. Tại hội nghị đối thoại, ông Nguyễn Nhật Tân, Giám đốc HTX Cựu chiến binh Điện Biên kiến nghị: Trong quá trình thực hiện dự án, HTX gặp nhiều khó khăn trong công tác lựa chọn các dòng giống cây mắc ca để đưa vào trồng; thiếu kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây. HTX thiếu thông tin và khó tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, HTX cũng gặp nhiều vướng mắc trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vùng trồng mắc ca. Do đó đề nghị UBND tỉnh có những điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp giúp HTX sớm tháo gỡ vướng mắc để tiếp tục thực hiện hiệu quả dự án.

Ông Nguyễn Nhật Tân, Giám đốc HTX Cựu chiến binh Điện Biên đặt câu hỏi tại hội nghị đối thoại của Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân.

Trả lời kiến nghị của HTX Cựu chiến binh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô thông tin: Các dự án trồng mắc ca là dự án trọng điểm trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho ngành Nông nghiệp trong công tác kiểm soát chất lượng giống mắc ca. Hiện nay, tỉnh đang khuyến khích người dân tham gia trồng mắc ca theo các dự án liên kết thông qua HTX hoặc tổ hợp tác để được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và đảm bảo chất lượng nguồn giống cây mắc ca. Đối với việc tiếp cận nguồn vốn, hiện có nhiều nguồn vốn thuộc nhiều chương trình để người dân, HTX, tổ hợp tác có thể tiếp cận. Cụ thể: Nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025; nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội (thông qua các tổ vay vốn ủy thác; chương trình giải quyết việc làm; nguồn vốn tín dụng ủy thác ngân sách địa phương thông qua Ngân hàng CSXH) và nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Điện Biên hướng dẫn HTX thực hiện quy trình, thủ tục, tháo gỡ khó khăn về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cùng liên quan đến các dự án trồng mắc ca, ông Quàng Văn Thủy, nông dân xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) ý kiến: Từ năm 2015 – 2017, người dân xã Quài Nưa thực hiện dự án liên kết trồng mắc ca với Công ty Cổ phần Maccadamia Điện Biên. Đến nay, tổng diện tích góp đất với công ty là 500ha. Theo hợp đồng góp đất, từ năm thứ 6 người dân sẽ được hưởng 15% lợi nhuận, song đến nay đã là năm thứ 7, công ty vẫn chưa thanh toán đủ số tiền người dân được hưởng lợi và tiền công của công nhân. Công ty đã hứa hẹn nhiều lần nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ: Bao giờ công ty sẽ chi trả % cho các hộ góp đất và thanh toán tiền công cho công nhân?

Đại diện HTX công nghệ cao Phú Mỹ Xanh tỉnh Điện Biên kiến nghị về cơ chế phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Được giao giải đáp kiến nghị của nông dân xã Quài Nưa, ông Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Phản ánh của nông dân xã Quài Nưa là đúng. Thời gian vừa qua, Công ty Cổ phần Maccadamia gặp nhiều khó khăn về tài chính dẫn đến nợ lương công nhân và tiền chia sản phẩm. 2 năm gần đây công ty cũng không chăm sóc vườn cây. Năm 2023, công ty triển khai thu hoạch quả mắc ca, tổng số tiền bán sản phẩm thu được là 2 tỷ đồng. UBND huyện Tuần Giáo đã yêu cầu công ty dùng toàn bộ số tiền trên để chi trả các khoản nợ đến hạn cho người dân. Theo đó, công ty đã chi trả tiền nợ trên địa bàn gồm: Tiền ăn của công nhân trong 2 năm 2021 – 2022 là 1,1 tỷ đồng; tiền công thuê người dân hái quả 250 triệu đồng; tiền sản lượng cho người dân bản Bó Giáng (xã Quài Nưa) 71 triệu đồng và tiền công cho cán bộ trông coi vườn cây 579 triệu đồng. Trước mắt, công ty đã khắc phục được một phần đối với các khoản nợ đối với người dân. Trong thời gian tới, UBND huyện Tuần Giáo sẽ tiếp tục làm việc và yêu cầu công ty thực hiện đúng, đủ cam kết, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Trường hợp nếu công ty không giải quyết, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Đảm bảo quyền lợi và tổ chức hoạt động hiệu quả các chi hội là nội dung được đại diện Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh.

Những vướng mắc liên quan đến dự án liên kết trồng mắc ca của người dân xã Quài Nưa đã được giải đáp. Trong ảnh: Người dân xã Quài Nưa ra quân trồng cây mắc ca năm 2023. 

Bà Hoàng Thị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) đặt câu hỏi: Trước đây, các chi hội ở bản (trong đó có chi hội nông dân) đều được hưởng phụ cấp nên hoạt động rất tích cực và có hiệu quả. Từ năm 2019 đến nay, chi hội trưởng các hội, đoàn thể tại bản, tổ dân phố không còn được hưởng phụ cấp đã ảnh hưởng đến hoạt động của các hội, đoàn thể tại khu dân cư. Do đó, trong thời gian tới đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ phụ cấp cho các chức danh chi hội trưởng tại khu dân cư.

Trả lời nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô cho biết: Theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ quy định ngoài 3 chức danh: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác mặt trận ở các thôn, bản, tổ dân phố được chi trả phụ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước thì những người khác tham gia công việc ở thôn, bản, tổ dân phố chỉ được chi trả bồi dưỡng từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có) mà không chi trả từ ngân sách nhà nước. Thực tế đó đã gây khó khăn trong công tác tổ chức hoạt động các chi hội tại cơ sở. Không chỉ riêng tỉnh Điên Biên, đây là tình trạng chung trong cả nước. Trước thực trạng đó, ngày 10/6/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019). Hiện nay, UBND tỉnh đang thực hiện các bước chuẩn bị để trình nội dung này tại kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh. Dự kiến, từ năm 2024, chi hội trưởng các đoàn thể tại bản, tổ dân phố sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Trên cơ sở trao đổi thẳng thắn, cởi mở, không né tránh, nhiều nội dung kiến nghị của hội viên, cán bộ hội nông dân đã được Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và chính quyền các địa phương giải đáp thoả đáng. 100% hội viên nông dân đặt câu hỏi đều cảm thấy hài lòng. Ông Nguyễn Nhật Tân, Giám đốc HTX Cựu chiến binh Điện Biên cho biết: Nội dung trả lời của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh rất đúng và trúng vấn đề chúng tôi quan tâm, mong mỏi. Tôi cũng rất phấn khởi khi trong giờ giải lao, lãnh đạo các cơ quan như: Chi cục Kiểm Lâm, Ngân hàng CSXH đã gặp và trao đổi, hướng dẫn chi tiết các bước, thủ tục cần thiết để tháo gỡ những vướng mắc được nêu tại hội nghị.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top