Chậm triển khai các dự án trồng cây mắc ca

13:07 - Thứ Sáu, 20/10/2023 Lượt xem: 4905 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (20/10), Ban chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư trồng cây mắc ca đã làm việc với các nhà đầu tư để đánh giá tình hình, tiến độ thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Các đại biểu dự hội nghị.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 dự án trồng cây mắc ca của 11 doanh nghiệp, nhà đầu tư được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô trồng 91.645ha. Đến nay, các dự án đã thực hiện đo đạc, quy chủ đất đai được 27.522ha, đạt 30% so với tổng diện tích phải đo đạc. Tổng diện tích cây mắc ca các dự án thực hiện trồng được 6.614ha, đạt 16% so với tiến độ nhà đầu tư cam kết thực hiện đến năm 2023. Đã thành lập được 12 hợp tác xã, 157 tổ hợp tác mắc ca trong vùng triển khai thực hiện các dự án, với tổng kinh phí nhà đầu tư đã giải ngân để thực hiện các dự án là trên 1.584 tỷ đồng, đạt 10% so với tổng vốn đăng ký của các dự án. Trong năm 2023, có 7/13 dự án đã tổ chức thực hiện đo đạc, quy chủ đất đai vùng dự án được 6.929ha; 7/13 dự án tổ chức thực hiện trồng với diện tích 2.394ha và 8/13 nhà đầu tư bố trí vốn thực hiện dự án là trên 248 tỷ đồng.

Tiến độ triển khai thực hiện trồng mắc ca theo cam kết của các nhà đầu tư vẫn rất chậm, tất cả dự án đều thực hiện không đảm bảo khối lượng trồng hàng năm theo tiến độ đã được phê duyệt trong chủ trương đầu tư được chấp thuận. Trong đó, 4 dự án đã vượt quá thời gian thực hiện trồng theo tiến độ được duyệt; 2 dự án hết thời gian thực hiện trồng trong năm 2023; 6 dự án sẽ hết thời gian thực hiện trồng trong năm 2025; 1 dự án hết thời gian thực hiện trồng trong năm 2028.

Thực tế cho thấy, đa số nhà đầu tư đều khó huy động nguồn vốn thực hiện dự án, nên việc đầu tư, mở rộng diện tích cây mắc ca còn khó khăn. Việc thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai mất nhiều thời gian, thường xuyên gặp phải những vướng mắc (tranh chấp đất đai, người dân một số nơi chưa đồng thuận,...) nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác đo đạc, quy chủ đất đai và khó khăn trong việc tạo vùng lõi triển khai thực hiện dự án.

Lãnh đạo UBND huyện Điện Biên Đông nêu ý kiến tại cuộc họp.

Tại hội nghị, các ngành chức năng đã làm rõ và trả lời những vướng mắc liên quan đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia dự án mắc ca, như: Vấn đề đất đai, quy chủ (trên sổ và tại thực địa); vấn đề quản lý chăm sóc vườn cây (Mường Nhé, Tuần Giáo) chưa được quan tâm, nhiều diện tích bị hoang hóa; các vấn đề liên quan đến nguồn vốn, giống...

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô nhấn mạnh: Một số dự án mắc ca còn nợ đọng tiền lương. Chính quyền cấp xã và các cơ quan chuyên môn của huyện chưa phối hợp chặt chẽ để giải quyết tháo gỡ những vấn đề phát sinh. Còn cán bộ sợ sai, chưa dám làm, các hướng dẫn của các ngành chuyên môn chưa quyết liệt. Công tác tuyên truyền vận động chưa hiệu quả, dẫn đến sự đồng thuận trong nhân dân chưa cao. Do đó, trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được tỉnh, ban chỉ đạo đã giao, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các nhà đầu tư tiếp tục tuyên truyền cơ chế chính sách, để tạo ra sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị (cấp huyện, xã) và người dân. Tập trung xử lý, tháo gỡ dứt điểm các thủ tục đất đai (liên quan đến quy hoạch, rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng). Tập trung phát triển diện tích liên kết (nhà đầu tư, người dân) để tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Nếu nhà đầu tư không thực hiện được việc chăm sóc vườn cây hiện có, thì huyện sẽ có phương án giao vườn cây để người dân chăm sóc... Các doanh nghiệp, nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với huyện, xã; lên phương án, kế hoạch chăm sóc vườn cây diện tích đã trồng. Các cơ quan liên quan và các tổ công tác theo sát các nội dung để có phương án kịp thời.

Tin, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top