An toàn nợ công quốc gia được bảo đảm trong mục tiêu

09:31 - Thứ Ba, 24/10/2023 Lượt xem: 4763 In bài viết

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc trả nợ của Chính phủ năm 2023 được thực hiện đầy đủ theo cam kết, trong phạm vi dự toán được duyệt.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội trong chiều 23-10.

Chiều 23-10, tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025

Quản lý nợ công chủ động, chặt chẽ và thận trọng

Về tình hình vay, trả nợ của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu, năm 2023, Quốc hội phê chuẩn tổng mức vay của ngân sách trung ương là 621.015 tỷ đồng và phê duyệt vay về cho vay lại vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài của Chính phủ là 23.394 tỷ đồng.

Để thực hiện nhiệm vụ huy động vốn nêu trên, Chính phủ đã triển khai công tác huy động vốn từ các nguồn vay trong nước và vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài. Dự kiến nhu cầu huy động cả năm 2023 ước đạt 604.379 tỷ đồng (bằng 93,8% kế hoạch), trong đó vay về cho vay lại là 14.626 tỷ đồng (62,5% kế hoạch).

Tổng trả nợ của Chính phủ năm 2023 ước đạt 311.537 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp ước là 279.742 tỷ đồng, bằng 95,3% dự toán; trả nợ vay nước ngoài về cho vay lại ước đạt 31.795 tỷ đồng, bằng 93,8% kế hoạch.

“Việc trả nợ của Chính phủ năm 2023 được thực hiện đầy đủ theo cam kết, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Về thực hiện kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương, tổng số vay trong năm khoảng 15.920 tỷ đồng (giảm 11.278 tỷ đồng so với mức vay Quốc hội duyệt là 27.198 tỷ đồng). Tổng trả nợ gốc trong năm khoảng 2.648 tỷ đồng (giảm 156 tỷ so với mức 2.804 tỷ đồng theo dự toán của Quốc hội).

Với số liệu vay, trả nợ ngân sách địa phương năm 2023 như trên, dự kiến bội chi ngân sách địa phương năm 2023 khoảng 13.272 tỷ đồng, giảm 11.728 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định.

Sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2023 trong bối cảnh các quốc gia tăng vay nợ để bổ sung nguồn lực đối phó với dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, quản lý nợ công của Việt Nam vẫn được điều hành chủ động, chặt chẽ, thận trọng. An toàn nợ công được bảo đảm trong phạm vi mục tiêu trần, ngưỡng cảnh báo được Quốc hội phê duyệt.

Cần quan tâm xu hướng tăng vay để trả nợ gốc

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu, trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, Chính phủ đã triển khai thực hiện kế hoạch vay và trả nợ năm 2023 đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy một số vấn đề cần quan tâm trong năm 2023 như dự kiến vay để trả nợ gốc ngân sách trung ương chiếm tỷ lệ cao (32,35%) trong cơ cấu tổng mức vay dự kiến là 589 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ này có xu hướng tăng trong dự kiến năm 2024 (khoảng 42,4%) cho thấy xu hướng phải tăng vay để trả nợ gốc.

Lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ bình quân tăng so với năm 2022. Các khoản vay mới đàm phán và ký kết kể từ năm 2022 hiện đã có mức lãi suất cao hơn, là thách thức lớn, đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay.

Đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công, Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành công tác quản lý vay, trả nợ công.

Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá thẳng thắn về những hạn chế và phân tích sâu về nguyên nhân của vấn đề này. Trong đó, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, chủ yếu là các nguyên nhân chủ quan như việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án của bộ ngành, địa phương còn chậm, chưa sát, chưa điều chỉnh kịp thời.

Trên cơ sở ý kiến thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị tại kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tập trung đánh giá tình hình nợ công năm 2023 về cả kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế; dự kiến vay, trả nợ công năm 2024 cũng như đánh giá sơ kết sau 3 năm thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công và các giải pháp tăng cường quản lý nợ công để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top