Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình 2 năm 2021-2022 đạt 93,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và trong 9 tháng năm 2023, giải ngân đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn 110 nghìn tỷ đồng.
Chiều 23-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn, triển khai Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội, trên cơ sở tổng mức vốn 2,87 triệu tỷ đồng, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt khoảng 90% tổng mức vốn được Quốc hội cho phép phân bổ (2,72 triệu tỷ đồng). Số vốn còn lại là hơn 190.049 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là gần 53.750 tỷ đồng đã chuyển về dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Quốc hội cho phép Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn thiện thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư; vốn ngân sách địa phương là 137.000 tỷ đồng.
Tổng kế hoạch đầu tư công hằng năm (từ năm 2021 đến năm 2023) được Quốc hội quyết nghị đạt 59% tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, số vốn ngân sách Trung ương đạt 52,2% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tạo áp lực rất lớn trong cân đối ngân sách năm 2024, 2025. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách 3 năm 2021-2023 chiếm 28,4%; tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội trung bình 2 năm 2021-2022 đạt 16,4%.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, đầu tư công đã phát huy vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình 2 năm 2021-2022 đạt 93,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và trong 9 tháng năm 2023, giải ngân đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn 110 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do kế hoạch vốn năm sau cơ bản tương đương với năm trước nên đã dẫn tới khả năng không bố trí đủ vốn ngân sách Trung ương theo kế hoạch trung hạn. Với dự kiến kế hoạch 2024 là 225 nghìn tỷ đồng, lũy kế bố trí 4 năm từ 2021 đến 2024 đạt 61,7% tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương được Quốc hội cho phép phân bổ. Như vậy, dự kiến có khoảng 376 dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn hằng năm sẽ chuyển tiếp thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030.
Thẩm tra về đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, qua 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết 29 đặt ra, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua vào tháng 7-2021 sớm hơn gần 1 năm so với giai đoạn 2016-2020, đã tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương sớm thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ, góp phần triển khai đồng bộ kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và tiếp tục phát triển.
Cùng với đó, thể chế về đầu tư công tiếp tục được hoàn thiện. Trong quá trình chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công hằng năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế.
Về dự kiến thực hiện 2 năm còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, với thực tế bố trí vốn ngân sách Trung ương hiện nay, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm chậm, cân đối nguồn cho chi đầu tư công không đạt kế hoạch, yêu cầu cân đối nguồn vốn trong 2 năm còn lại là khá lớn. Bên cạnh đó, vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giải ngân rất thấp, tạo áp lực lớn cho bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện giải ngân vốn.
Do vậy, khả năng cân đối đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương là hết sức khó khăn để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn trong 2 năm còn lại của Kế hoạch, trong khi vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương chưa bảo đảm, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước dự kiến hụt thu lớn.
"Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ khả năng cân đối vốn thực tế, tình hình giải ngân vốn đã phân bổ 3 năm qua, tập trung phân bổ, điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công", ông Lê Quang Mạnh báo cáo.